Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

BÁNH TRÁNG LẠC LÂM - NGÀY CHÀO ĐỜI


Chào đời

Trước ngày chào đời

Thường thì trước ngày sinh đứa con đầu lòng, gia đình ai cũng phải lo chuẩn bị mọi thứ từ cái khăn, cái tã đến phích nước, sữa tắm,.. đủ các loại. Sắm đủ rồi nhưng cứ suy đi, tính lại thì thế nào cũng lòi ra cái chưa có, và thế là lại đi sắm sửa. Và đứa con đầu tiên, cách tôi gọi cái tiệm bánh tráng của tôi, cũng khiến tôi phải vất vả và vật vã như thế.
Sau những cố gắng để có thể nhận được sự đồng ý từ các bên liên quan, tôi bắt đầu ngay vào việc sắm sửa đồ đạc để chuẩn bị cho ngày khai trương ngay sau khi từ Lạc Lâm xuống lại Sài Gòn, thời gian tôi có chỉ vỏn vẹn 5 ngày. Một danh sách dài dằng dặc các thứ phải sắm sửa đã được tôi ghi ra. Nào là thùng đá, chén đựng tương, chai tương, ghế ngồi, hộp đựng giấy ăn, sọt rác, rổ đựng,... càng ghi tôi lại càng thấy thiếu, mà thiếu thì lại phải ghi thêm nữa. Cuối cùng nhìn lại cái danh sách, rồi ngó lại cái bóp tiền của mình, tôi lắc đầu ngán ngẩm:"Tháng này ăn mì tôm chắc cú!". Nhưng ngán thì ngán nhưng vẫn cứ phải sắm, vì không sắm lấy đâu ra đồ để bán? Thế là tôi rủ thằng em ruột của mình làm một chuyến ra chợ Bình Tây để sắm đồ.
Không ngoài dự đoán, những món đồ lặt vặt tính riêng từng món thì chỉ vài ngàn nhưng khi gộp chung lại thì tính ra cũng cả gần triệu bạc, cũng may là đem đủ tiền. Lúc này tôi mới thấy khâm phục những nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng để đầu tư vào các dự án. Tôi bỏ ra có hơn triệu bạc để đầu tư thôi mà cũng thấy xót nữa là. Nhưng mà, đã gọi là đầu tư thì không có gì hối tiếc, mà chỉ có kỳ vọng. Tôi kỳ vọng những thứ mà tôi đầu tư sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp
Lượn một vòng quanh chợ Bình Tây, 2 anh em tôi tay xách nách mang vác đồ về chỗ trọ, chất đầy cả một góc phòng. Cũng may đợt đó thằng bạn cùng phòng tôi về quê, nếu không chắc tôi phải ra ngoài hành lang mới có chỗ ngủ. Nhưng có ra ngoài hành lang ngủ tôi cũng chịu, vì đơn giản đứa con của tôi sắp sửa ra đời rồi.

Đặt tên


Đặt tên, nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng khi bắt đầu suy nghĩ thì mới thấy khó khăn đến chừng nào. Đặt tên gì cho tiệm bánh nướng của tôi bây giờ? Bán lề đường thì toàn thấy người ta đặt những cái tên vô cùng đơn giản như đặt theo số nhà, đặt theo tên đường, hoặc đặt theo tên chủ quán. Tôi bắt đầu nghĩ đến những cái tên như "Bánh Tráng Nướng Phú Hòa", "Bánh Tráng 20A", "Bánh Tráng A Huân". Nhưng suy đi tính lại tôi quyết định bỏ đi những cái tên đó, và tôi quay trở lại với câu hỏi:: Mục đích mở quán của tôi là gì? Kinh doanh? Cũng đúng nhưng chưa đủ. Vậy thì còn gì nữa? Đó là tôi muốn mọi người biết đến vùng đất quê tôi, Lạc Lâm, và cũng muốn mọi người thấy rõ được bánh tráng tôi nướng là món đặc sản của vùng đất Lạc Lâm quê tôi, chứ không phải ở một vùng nào khác, ví dụ như Đà Lạt (mặc dù quê tôi cũng ở gần Đà Lạt, nhưng bánh tráng nướng Đà Lạt và bánh tráng nướng Lạc Lâm là 2 loại khác nhau). Cuối cùng, tôi quyết định đặt tên quán là "Bánh Tráng Lạc Lâm", một cái tên đơn giản nhưng gửi gắm biết bao nhiêu ý nguyện của tôi trong đó, cái tên mà tôi mong một ngày sẽ được đông đảo người Sài Gòn biết đến, dù ngày đó tôi cũng chẳng biết là khi nào. Nhưng điều quan trọng ở hiện tại, quán của tôi đã có tên!

Thông báo


Mọi thứ đã sắn sàng, giờ chỉ đợi đến ngày ra mắt nữa thôi. Nhưng làm sao để mọi người biết đến sự tồn tại của một cái quán cóc chuẩn bị mở mới là vấn đề, vì mở ra mà không có ai ghé thì coi như thất bại. Cũng may tôi là người có mối quan hệ khá là rộng rãi trong ngôi trường đại học mà tôi sắp sửa bị đá đít ra khỏi, và những người bạn tôi quen biết trở thành đối tượng mục tiêu mà tôi nhắm đến trong những ngày đâu khai trương. Lúc này tôi mới thấy yêu cái bạn da xanh tên Facebook đến nhường nào. Nhờ bạn ấy mà tôi có thế lập ra được fanpage Bánh Tráng Lạc Lâm và bắt đầu đăng tin thông báo cho mọi người biết đến. Thế là mỗi ngày tôi lại dành ra một khoảng thời gian để đăng bài, để dụ dỗ, lôi kéo những đứa bạn ghé quán tôi nhân ngày khai trương sắp tới thông qua Facebook.

Sinh non


Thông báo ngày giờ xong xuôi đâu vào đấy, đồ đạc cũng chuẩn bị hết rồi (à còn thiếu mấy cái bàn, nhưng đó lại là một câu chuyên khác lát kể sau), thì tôi nhận được điện thoại của mẹ. Đó là vào ngày thứ hai, tức là một ngày trước khi khai trương. Sau khi nghe điện xong, tôi ngồi nhìn đống đồ ngổn ngang đang đợi sắp xếp lại trước măt, tự hỏi: Chiều nay lấy gì mà khai trương đây trời?
Mẹ tôi gọi điện nói tôi có khai trương thì hoặc là chiều nay hoặc là đợi tới thứ 7, chứ không được chọn ngày hôm sau (tức thứ 3), bởi vì bố ở nhà xem lịch kêu mai là ngày xấu. Thôi thì cũng phải nghe lời bố mẹ chứ biết sao, nói chứ mấy vụ này có kiêng có lành mà. Nhưng nếu ngày mai không khai trương thì làm sao đợi đến thứ 7, trong khi đã thông báo cả mấy hôm nay rồi, còn chiều nay mà khai trương thì đã chuẩn bị gì đâu. Thật là đau đầu mà.
Nhưng trong cái rủi nó có cái may, tôi chợt nhớ đến hũ mắm ruốc mà bác tôi đã chuẩn bị cho tôi từ hôm xuống thành phố, vậy là tôi có món để làm rồi đấy chứ. Chưa chuẩn bị được hành mỡ thì thôi ta nướng bánh mắm ruốc vậy. Nghĩ là làm, tôi liền sắp xếp đồ đạc lại rồi chạy ra chợ mua vài kí than về để sẵn sàng khai trương ngay trong chiều hôm đó. Không bảng hiệu, chỉ có cái lò than, hũ mắm ruốc với túi bánh tráng, thêm vài cái ghế nhựa và mấy cái bàn ngồi học của tôi. Khách hàng, tất nhiên không phải những người bạn của tôi, mà là những người trong khu trọ của tôi. Thực đơn ngày hôm đó của quán chỉ vọn vẹn một món: Bánh nướng mắm ruốc. Còn người mở hàng đầu tiên cho tôi, không ai khác ngoài chính bác chủ nhà.
Thế là đứa con tinh thần đầu tiên của tôi đã ra đời một cách đầy vội vã trong mùi mắm ruốc lan tỏa khắp con hẻm nhỏ (sau đó thì tôi bị vài người qua mắng vốn vì cái tội để mùi mắm ruốc bay hết qua nhà họ)

Khởi đầu luôn không bao giờ dễ dàng, nhưng nếu ta đã khởi đầu được, nghĩa là ta đã sẵn sàng để bước vào cuộc chơi, một cuộc chơi không có người thắng, kẻ thua, mà chỉ có người kiên trì và kẻ bỏ cuộc mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến