Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

NIỀM VUI TỪ NHỮNG THỰC KHÁCH


Những người mang đến niềm vui


Nếu không có khách hàng, sẽ chẳng có người bán hàng


Đây là một điều có lẽ ai cũng biết, và Bánh Tráng Lạc Lâm vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay cũng bởi vì một lý do đơn giản: khách hàng vẫn ghé quán mối ngày.
Với tôi, tiệm bánh tráng này mở ra không chỉ để kinh doanh kiếm tiền, mà đó còn gửi gắm mong muốn của tôi đó là đem niềm vui đến cho khách hàng khi thưởng thức những chiếc bánh nướng đặc sản quê tôi. Nhưng điều tôi chưa nghĩ đến thì nó lại diễn ra. Chẳng biết có ai ăn bánh tôi nướng mà cảm thấy vui vẻ hay không nhưng chính những thực khách lại đem đến cho tôi những niềm vui nếu không mở quán tôi sẽ không bao giờ được trải qua. Những niềm vui ấy đến từ những điều rất giản dị, rất đời thường mà thông thường vì bộn bề cuộc sống ta không nhận ra được, chỉ khi ngồi lại, quan sát kỹ hơn thì ta mới thấy rõ.Nhưng trước hết, tôi cần phải nói sơ qua về khách hàng của tôi trước đã (vì họ là nguồn tạo ra những niềm vui ấy mà).
Khách hàng của Bánh tráng Lạc Lâm, trước hết, là những người bạn học cùng trường với chủ quán, tức là tôi. Họ đa phần là những người quen biết tôi trước đó ghé quán để ủng hộ tinh thần. Nhờ có họ mà những ngày đầu khai trương tôi không phải lo nghĩ nhiều đến việc tìm kiếm khách hàng mà chỉ lo làm sao nướng cho kịp bánh để phục vụ. Nói chung, họ là đối tượng khách hàng mục tiêu mà tôi nhắm đến trong giai đoạn ban đầu khi mới mở quán.
Nhóm khách hàng thứ hai mà tôi hướng đến đó là những người con của vùng đất Lạc Lâm nói riêng và Đơn Dương nói chung. Người Lạc Lâm ở Sài Gòn rất nhiều, và đã là người Lạc Lâm thì ai cũng đều biết đến món bánh tráng nướng mỡ hành (mà quê gọi là Bánh đa hành mỡ) và không ít người rất thích ăn món này. Tuy nhiên ở Sài Gòn chỗ bán vẫn còn khá hạn chế và nếu có thì thường tập trung ở những khu vực ngoại thành (và với một tên gọi khác). Do đó khi mở quán, tôi rất mong sẽ được sự đón nhận từ những người đồng hương của mình trên đất Sài Gòn này.
Nhóm khách hàng thứ ba, là những người sinh sống ở khu vực gần chỗ tôi bán, bởi ai bán cũng mong có khách quen. Ở gần thì dễ mua hơn là ở xa.
Ba nhóm khách hàng, với tôi nhóm nào cũng đầy tiềm năng để có thể bán được hàng, vấn đề là tôi truyền thông ra sao và chất lượng bánh của tôi thế nào nữa thôi.

Những niềm vui nho nhỏ

Mỗi khách hàng đều đem đến cho tôi những niềm vui nho nhỏ, trước hết là niềm vui khi bán được bánh. Khi bạn bán hàng, mỗi lần bán được hàng chắc chắn bạn sẽ đều cảm thấy vui ở một cấp độ nào đó, với tôi là cấp độ cao, vì trước giờ tôi chưa bán hàng bao giờ cả, mà nếu có cũng chỉ toàn bán giùm mà thôi, nên khi tự tay bán được bánh do mình làm ra và thu lại những đồng tiền (có thể tạm gọi cho nó hoa mỹ là :"đồng tiền mồ hôi nước mắt") thì tôi thực sự cảm thây vui xen lẫn chút gì đó tự hào về bản thân mình.
Những lời khuyến khích, động viên từ khách hàng là bạn bè đã thực sự tiếp thêm cho tôi rất nhiều động lực và sự tự tin để tiếp tục bán bánh. Cứ thử tưởng tượng nếu ngày nào bạn cũng chỉ nghe những lời phản hồi đại loại như bánh dở quá, bánh mắc quá hay chủ quán xấu trai quá thì chắc không sớm thì muộn tôi cũng bi quan mà đóng cửa tự..khóc mất thôi. Nhưng may sao, tôi có những người bạn luôn ủng hộ tôi. Nếu bánh chưa được, họ sẵn sàng góp ý thẳng thắn và lần sau họ sẽ quay lại để kiểm chứng. Còn khi bánh vừa miệng, họ chẳng tiếc lời khen động viên tôi. Và mỗi lời động viên đều giống như một viên thuốc tăng lực giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục.
Niềm vui không chỉ đến từ những lời động viên của bạn bè mà còn đến từ những đồng hương của tôi, những người con Lạc Lâm xa quê. Nhiều người ghé quán chỉ vì nhớ hương vị bánh tráng của quê nhà quá. Tôi ở quê ít ai biết và tôi cũng ít biết ai, nhưng khi vào Sài Gòn này, chỉ cần gặp được người Lạc Lâm là coi như thấy quen biết hết. Chẳng vậy mà có những vị khách vào hỏi ở quê nhà chỗ nào, có quen ông này bà kia không, dù chẳng biết ai vào với ai nhưng biết chắc là đã gặp qua (vì Lạc Lâm bé lắm, đi lễ hoặc ra chợ là gặp được hết người rồi). Mỗi lần gặp khách là người Lạc Lâm, tự nhiên cảm thấy ấm áp và vui lắm, bởi đơn giản: chúng ta là người cùng một quê.
Ngoài ra, niềm vui còn đến từ những đứa con nít sống xung quanh chỗ tôi bán hàng. Có những hôm mới thấy tôi nhóm lò là đã có mấy đứa bu lại đòi mua bánh rồi. Dù tôi nói phải đợi nửa tiếng nữa mới có nhưng tụi nhỏ vẫn cứ đứng đợi cho bằng được. Và hôm nào tụi nhỏ mở hàng là y rằng hôm đó đắt khách., Nên tôi thích tụi nhỏ qua mở hàng lắm :)
Thi thoảng có khách vãng lai ghé qua, thấy bán bánh ngồ ngộ nên ghé lại hỏi mua, và câu hỏi tôi hay nhận được nhất là: "Bánh tráng Lạc Lâm nghĩa là sao em?" Thế là tôi có cơ hội xổ ra một tràng về Lạc Lâm quê tôi. Được giới thiệu về quê hương mình cũng đáng tự hào lắm chứ, cho dù quê mình chỉ là một xã nhỏ chẳng có danh lam thắng cảnh nào nổi bật cả.
Và những ngày vắng khách, chỉ cần có một khách hàng ghé quán thôi là tôi đã mừng như bắt được vàng rồi/ Có những buổi chỉ bán được hơn chục cái bánh (vừa đủ tiền vốn) nhưng tôi vẫn rất vui vì dù sao, vẫn còn có khách mua hàng.
Có những khách hàng quen mà chỉ cần thấy họ là biết ngay họ sẽ kêu bánh gì cũng khiến tôi thấy vui, vui vì khách hàng quay lại nhiều lần chứng tỏ bánh của mình ăn được (ăn được nên họ vẫn còn sống và quay trở lại ăn tiếp :) ). Đặc biệt nhất là có một vị khách mà mỗi lần ghé quán là lại dẫn thêm những vị khách khác tới để giới thiệu. Vị khách đó đặc biệt đến mức tôi đã mặc định chế độ giảm giá khi thấy mặt người ấy ghé quán (kiểu như quét thẻ tự động vậy đó). Và nếu khoảng 3 hôm mà không thấy ghé là bắt đầu "nhớ nhớ".
Và còn nhiều những niểm vui giản dị khác nữa mà những vị khách hàng dễ thương mang đến cho tôi và quán bánh tráng nướng nhỏ của mình. Họ chính là nguồn động lực để tôi tiếp tục theo đuổi con đường mà tôi đã chọn, bởi tôi biết, tôi không chỉ có một mình.

Tìm kiếm những niềm vui nho nhỏ nơi việc làm của mình chính là cách tốt nhất để mình làm việc hiệu quả hơn.


4 nhận xét:

Bài đăng phổ biến