Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

NHỮNG NGÀY THỨ BẢY

Chương trinh dành cho ngày thứ bảy của Bánh Tráng Lạc Lâm

Kỳ vọng

Tối thứ bảy luôn là khoảng thời gian thích hợp nhất để gặp gỡ, đi chơi cùng bạn bè và người yêu, bởi đó là khi vừa kết thúc một tuần học tập, làm việc mệt mỏi, và ngày sau đó là chủ nhật để tạm quên đi những áp lực. Do đó, thứ bảy người ta có xu hướng ra ngoài đường nhiều hơn là ở nhà. Mà đã ra đường thì tất nhiên chỉ có một trong hai là đi ăn hoặc đi uống hoặc cả hai. Và với tư duy vô cùng logic như vậy thì tiệm bánh tráng của tôi tràn trề kỳ vọng vào những ngày thứ bảy đông khách.

Đời không như là mơ

Quả thế, suy nghĩ cũng là chỉ nằm trong đầu một người, còn thực tế xảy ra thì nó lại thuộc về một phạm trù khác mà ta khó có thể biết được nó đi đến đâu. Và tôi cũng không biết khách hàng của mình đi đến đâu vào mỗi tối thứ bảy, chỉ biết một điều là rất ít khách ghé quán tôi vào ngày này. Và sau gần hai tháng mở quán, tôi đi đến một kết luận không mấy khả quan chút nào: Thứ bảy là ngày vắng khách nhất trong tuần. Quả thật, đời không như là mơ! Có lẽ, thứ bảy dân tình tập trung về hướng quận 1 hết rồi. Lúc này mới thấy vị trí quán của mình chịu nhiều thiệt thòi (vì vắng người qua lại quá mà).

Buông xuôi?

Mỗi thứ bảy, ngồi ngắm sao ngắm trăng, tự nướng tự ăn, tự pha tự uống và trong đầu luôn suy nghĩ: Làm sao để khách hàng đến với quán vào thứ bảy đây? Chẳng lẽ buông xuôi như vậy? Phải làm gì đó đi chứ!
Cuối cùng thì cũng có ý tưởng biến ngày thứ bảy thành ngày "Happy Day" (giống mấy rạp chiếu phim vậy). Nghĩ là phải làm liền. Nên ngay khi ý tưởng đó xuất hiện, tôi liền vạch ra những việc phải làm để biến nó thành hiện thực. 
Đầu tiên chắc chắn là phải giảm giá để thu hút khách đến nhiều hơn. Giảm giá thì bao nhiêu cho phù hợp. Vì giảm ít thì khách hàng không cảm thấy bị/... kích thích, còn nếu giảm nhiều thì mình lại không có lời. Nói chung cũng đau dầu vụ giảm giá này lắm.
Giảm giá không thôi thì vẫn chưa đủ, cần phải có cái gì đó tặng cho khách hàng mua bánh với tổng giá trị lớn (với quán Bánh Tráng Lạc Lâm thì 50,.000 đồng là lớn rồi). Mà tặng thì phải tặng cái gì đó ý nghĩa và có giá trị sử dụng thực tế một chút. Lại thêm một vấn đề phải suy nghĩ.
Vẫn cần thêm điểm nhấn gì nữa, và tôi nghĩ ngay đến việc áp dụng những món pha chế học được để đặc biệt bán trong ngày này. Cái này thì đơn giản hơn vì tôi đã có sẵn một menu dài những món thức uống, chỉ việc chọn ra là xong. Nhưng vấn đề ở đây là tìm nguồn nguyên liệu cho phù hợp bởi đồ pha chế không rẻ chút nào.
Thấy có vẻ ổn ổn, bắt tay vào truyền thông ngay lập tức, và Facebook được chọn mặt gửi vàng. Suy nghĩ một chút thì ra cái tên: Thứ Bảy Vui Vẻ cùng BTLL (Bánh Tráng Lạc Lâm ý ạ ^^). Bài đăng nhanh chóng được đăng tải lên vào chiều thứ Sáu và tiếp tục được nhắc lại vào ngày thứ Bảy với hi vọng là sẽ tiếp cận được nhiều người.

Gấp rút chuẩn bị

Sau khi truyền thông đâu vào đấy, bây giờ chỉ còn cần chuẩn bị những đồ như đã dự kiến nữa là xong. Trong đó vật liệu để pha chế món uống đặc biệt là khó kiếm nhất vì là hàng ngoại và ít phổ biến. Maxi Mart được tôi  chọn mặt gửi vàng để tìm kiếm những thứ tôi lên sẵn. Nhưng đau khổ là lục hết cái siêu thi to đùng đoàng cũng không kiếm được lon nước ép gừng. Cuối cùng đành phải chuyển đối tượng mục tiêu khác: Coop Mart. Trời nắng nóng, chạy xe máy ngoài đường cũng thật khó chịu, cũng may Coop gần nhà. Bước vào siêu thị với một khí thế hừng hực và hi vọng tràn trề rằng tôi sẽ tìm được thứ mà tôi đang cần. Nhưng cuối cùng thì kết quả vẫn vậy.Đúng là hàng hiếm.
Tôi đành trở về chỗ trọ để giải quyết cái bao tử của mình một lát rồi bắt đầu gói quà một cách tỉ mẩn (nói thật tôi không có khiếu mấy khoản này lắm, nhưng không có ai nên đành phải tự lực cánh sinh thôi). Sau khi gói xong quà (gồm vài cuốn sổ tay và thêm em Danboo làm bằng que đè lưỡi), tôi chợt nghĩ ra một món nước mới có thể thay thế được món mà tôi định làm. Thế là ngay lập tức, tôi gọi em trai tôi dậy nhờ đi mua thêm một ít vật liệu. Vậy là ổn, coi như mọi thứ đã sẵn sàng. À tôi còn phải viết cái bảng thông báo chương trình khuyến mại nữa chứ (lại một vấn đề to bự với một thằng chẳng có chút óc thẩm mỹ và cái hoa tay nào như tôi, nhưng tôi không làm thì ai làm bây giờ, nên lại tự lực cánh sinh ^^).

Dọn hàng

Tới giờ, tôi chuẩn bị lò cũng như các đồ dùng nướng bánh. Nhưng đùng một cái trời mưa to và dường như không thấy dấu hiệu sẽ tạnh. Nhưng gặp cảnh này cũng nhiều lần rồi nên tôi cũng không mấy lo lắng, vẫn cứ tiếp tục chuẩn bị đồ đạc cho xong. Và đúng như dự đoán, nửa tiếng sau trời hết mưa, và tôi cũng nhanh chóng dọn hàng ra để sẵn sàng cho một ngày thứ bảy vui vẻ và đầy hi vọng. Dường như trời cũng thương tôi nên sau cơn mưa, trời trở nên đẹp lạ lùng :)

Và đời...lại không như là mơ

Cũng ngại lắm nhưng mà vẫn phải nói ra một sự thật đau lòng là điệp khúc cũ vẫn lặp lại. Quán vẫn vắng vào ngày thứ bảy. Tôi lại ngồi nghịch than và bắt đầu phân tích lý do tại sao? Và sau khi suy nghĩ một hồi thì tôi thấy có một khả năng khiến cho quán tôi vẫn vắng khách, đó là hiệu quả truyền thông chưa cao. Cũng đúng một phần nào đó khi Fanpage Bánh Tráng Lạc Lâm vẫn rất ít người biết đến, trang cá nhân của tôi thì cũng y chang vậy. Chưa kể là tôi chọn thời điểm đăng bài vào tối thứ 6, sáng thứ 7, hai khoảng thời gian mà tôi nhận thấy lượng người vào Facebook và chăm chỉ lướt dạo thấp hơn hẳn so với những ngày thường.
Tất nhiên đó chỉ là một lý do mà tôi nghĩ ra, có thể có nhiều lý do khác. Ví dụ như chương trình tôi đưa ra không được hấp dẫn, vị trí quán tôi quá hẻo lánh hoặc xấu hơn là do bánh tôi vẫn chưa được hoàn thiện,...
Nhưng mà cũng may, quán tôi vẫn có khách ghé thăm :)

Không bỏ cuộc

Đó là điều tôi vẫn luôn tự nhủ mình vào những ngày vắng khách và khi tôi bắt đầu thấy mất niềm tin vào bản thân mình và vào tiệm bánh nhỏ của tôi. Tôi biết mình còn phải cố gắng rất nhiều để có thể thực hiện được điều mà tôi muốn. Khi gặp những khó khăn, nếu mình tránh né hay bỏ cuộc,chắc chắn mình sẽ không thể lớn lên được, vậy nên tôi cần phải đối diện với khó khắn và tìm cách vượt qua được nó, và tôi tin mình sẽ làm được, vì những cuốn sách tôi đọc đã dạy tôi rằng: Hãy cứ tin thì sẽ được, vì chỉ cần niềm tin của bản thân đủ lớn thì không gì là không thể thực hiện được. 

Và nếu bạn đã đọc bài viết này tới đây, và bạn cũng từng ghé qua tiệm bánh nhỏ của tôi, tôi rất muốn nhận được ý kiến phản hồi của bạn về những điều gì bạn thấy chưa hài lòng về nó, và nếu được bạn có thể gợi ý cho tôi cách để khắc phục. Tôi thực sự cảm ơn bạn rất nhiều vì hành động đó, bởi nếu không biết vấn đề của mình nằm ở đâu thì chẳng bao giờ có thể tìm ra giải pháp.

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

BÁC CHỦ NHÀ

Gặp nhau đã là cái duyên


Trên mỗi bước đường đời, thi thoảng, ta lại được những người mà trước đó ta chưa từng quen biết, cũng chẳng có chút dây mơ rễ má gì về huyết thống, nhưng với ta, họ thân thiết như chính ruột thịt của ta, và ta gọi đó là cái duyên.

Và bác chủ nhà cũng là một cái duyên như thế.

Hai năm đầu sống trên đất Sài Gòn, tuy ở trọ nhưng tôi chưa bao giờ phải đi tìm phòng trọ, vì tôi sống trong lưu xá (một dạng kiểu như kí túc xá dành riêng cho sinh viên bên đạo Công giáo), mỗi tháng chẳng phải lo nghĩ gì vấn đề ăn uống, điện nước, và các thứ lặt vặt khác, chỉ cần đóng tiền cho trưởng nhà, vậy là xong. Nhưng khi em trai tôi xuống học, vì một vài lý do tôi quyết định chuyển ra ngoài sống. Mấy tháng đầu tiên, tôi vẫn chưa dám đi thuê ngoài mà ở cùng với thằng bạn thân hồi học cấp 3 của tôi (vì nó có nhà ở thành phố). Nhưng vì ở xa quá, bất tiện cho cả tôi lẫn em tôi đi học, nên cuối cùng tôi cũng phải dẹp bỏ cái nỗi sợ của mình qua một bên và đi thuê trọ bên ngoài.

Còn nhớ đó là khoảng thời gian cận tết, khi người ta ùn ùn kéo nhau về quê nghỉ tết, thì tôi lại từ quê quay trở lại Sài Gòn để đi tìm nhà trọ, vì tôi thấy đây là thời điểm thuận lợi. Không ngoài dự đoán, chỗ cho thuê trọ rất nhiều, xuất hiện đủ mọi ngõ ngách và cả trên mạng. Nhưng chạy lòng vòng khắp khu vực mà tôi nhắm đến thì chẳng kiếm được chỗ trọ nào ưng ý. Nơi thì vệ sinh không tốt, chỗ thì an ninh không đảm bảo, chỗ giá lại quá mắc. May sao có đứa bạn của thằng em tôi biết tin liền giới thiệu cho tôi một chỗ nghe nói là ở cũng được lắm.

Và tôi gặp được bác chủ nhà trong hoàn cảnh như thế.

Bác chủ nhà

Bác chủ nhà tôi năm nay cũng gần 60 tuổi, quê bác ở Bến Tre lên Sài Gòn lập nghiệp từ khi còn trẻ. Gia đình bác ngoài 2 vợ chồng thì chỉ có một một người con trai kém tôi 4 tuổi. Hai vợ chồng bác hiện tại cũng không đi làm đâu nữa mà ở nhà. Bác chủ nhà thì hiện là tổ trưởng tổ dân phố nên thỉnh thoảng cũng có đi họp hành trên quận và đi làm công tác trong khu phố. Và đó là những thông tin ít ỏi tôi biết được sau lần đầu tiếp xúc với bác để thuê phòng.

Thời gian đầu, với tôi, bác là một người khá nghiêm khắc và cũng hơi khó gần. Do phòng tôi trọ ngay tầng mà bác ở nên gặp nhau như cơm bữa. Nhưng mỗi lần gặp tôi cũng chỉ chào bác rồi đi thẳng, ít khi nào đứng lại nói chuyện. Có một đợt phòng tôi 3 thằng thay nhau về trễ quá giờ quy định (là 10 giờ tối), bị bác cho một bài khiến tôi từ đó trở về sau, lỡ có về trễ là thôi kiếm chỗ khác mà ngủ chứ không dám về. Tuy giờ giấc có khắt khe như thế, nhưng tôi lại cảm thấy rất an tâm khi thuê trọ ở đây, chưa kể vấn đề vệ sinh  (vấn đề mà tôi rất quan tâm) luôn được đảm bảo. Điều tôi thích nhất ở bác chủ nhà là chiều nào bác cũng đi gom rác của 4 tầng để đi đổ chứ không giống nhiều chỗ khác, rác phòng nào phòng nấy tự đem bỏ. Nếu tôi là người cho thuê trọ, chưa chắc tôi đã làm được như bác.

Thi thoảng ở quê có gửi xuống ít rau củ hay trái cây, tôi đều đem qua biếu bác một ít, và bác cũng hay đem qua cho tôi khi thì chục trứng vịt, lúc thì tô canh hầm hoặc vài cái bánh chiên. Nhờ vây mà mối dây liên kết giữa tôi với gia đình bác dần trở nên tốt đẹp hơn.

Nói chung, tôi không có gì phải phàn nàn về bác chủ nhà của mình và yên tâm khi mình tìm được một chỗ trọ lý tưởng.

Thay đổi từ tiệm bánh tráng nướng

Tôi chỉ thực sự thân thiết với bác chủ nhà từ lúc bắt đầu ngỏ lời xin bác cho tôi mượn khoảng sân trước nhà để bán bánh tráng nướng mỗi buổi chiều. Trước lúc quyết định qua xin bác, tôi cũng run và lo lắm, bởi trước giờ tôi chưa có nói chuyện với bác lâu bao giờ, và với tôi khi ấy bác cũng là một người khá là khó tính. Nên khi nhận dược cái gật đầu từ bác, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng khôn tả. Nguyên một tuần sau đó, cứ lúc nào gặp tôi là bác lại hỏi chuyện về việc mở quán. Nào là bán bánh gì, đồ đạc chuẩn bị sao rồi, chỗ đường này vắng người vào buổi tối lắm liệu có khách không, có cần mượn cái này cái kia không bác có,...Tự nhiên tôi thấy có thêm động lực để mở quán (dù trong thời gian đó tôi đang chuẩn bị thi tốt nghiệp và vừa nhận được chỉ thị "cấm bán" từ bố).

Những ngày trước khi mở quán, tôi lo chạy khắp thành phố để mua đồ chuẩn bị, bác chủ nhà lúc nào thấy tôi cũng hỏi thăm xem đồ chuẩn bị xong chưa, rồi khi nào khai trương. Bác còn tìm kiếm trong kho mấy cái ghế với cái bàn đem ra để tôi có xài gì thì xài. Mấy lần tôi qua chỗ bác ở để hỏi chuyện bác đều gọi tôi vào (trước giờ tôi chỉ qua chỗ bác khi đóng tiền nhà và chỉ đứng ngoài cửa), bác hỏi thăm rồi kể đủ thứ chuyện với tôi. Qua những câu chuyện của bác tôi mới nhận ra rằng, hóa ra bác rất ... nhiều chuyện, hay nói đúng hơn là bác biết rất nhiều chuyện. Tôi được nghe chuyện của bác từ khi bác còn là cậu nhóc trường làng cho đến khi tay trắng vào Sài Gòn lập nghiệp. Được nghe kể về chỗ tôi ở hiện tại ngày xưa là một ao đàm nuôi cá, cây cối rậm rạp, tòa án đối diện thực ra là của một tay buôn thuộc chế độ cũ,... Tôi còn được nghe giới thiệu thêm ở khu tôi sống toàn là những người có chức lớn, rồi những "chiến công" dẹp loạn trong khu phố của bác và cả những câu chuyện rất đời thường của những người sống trong khu trọ cùng tôi. Phải công nhận một điều, bác chủ nhà tôi quan sát rất tốt và lúc này tôi mới biết, bác rất hay nói chuyện với mọi người trọ trong nhà, tôi chắc là đứa hiếm hoi còn sót lại do suốt ngày tôi chạy ngoài đường không. Từ đó ấn tượng của tôi vè bác thay đổi hẳn.

Ngày tôi mở quán, bác là người quét dọn khoảng sân trước nhà giúp tôi, là người dũng cảm "tiên phòng" mở hàng cho tôi mặc dù chẳng biết tôi bán cái bánh gì thấy lạ hoắc, bác còn cầm bánh đi giới thiệu giúp tôi nữa, và tôi biết thêm một điều, hàng xóm xung quanh cũng rất quý bác. Thấy những đứa trẻ gặp bác đều khoanh tay lễ phép "Con chào ông" là đủ hiểu. Tự nhiên tôi thấy bác giống mấy ông phật mà mỗi tết tôi vẫn hay thấy trên mấy ngôi chùa khi đi cùng mấy đứa bạn ở quê.

Những ngày sau đó, chiều nào bác cũng xuống giúp tôi một tay dọn dẹp khoảng sân trước nhà, không những thế bác còn kêu con bác xuống phụ khi khách đông. Tôi nướng bánh biếu bác nhưng bác nhất định trả tiền cho bằng được. Khi tôi bán bánh, sợ tôi bị dân phòng hỏi thăm nên bác lúc nào cũng ngồi ngay trên hiên nhà và nhìn xuống. Tôi vẫn hay nói đùa với mấy đứa bạn của tôi rằng tôi có bảo kê ngồi trên nên chẳng sợ gì nữa.

Nhớ những bữa đầu, tôi nướng toàn bánh mắm, mùi mắm bay khắp ngõ, và có một bà hàng xóm khó tính đã gọi điện qua mắng vốn bác, nói bác đừng cho tôi bán nữa. Nhưng thay vì xuống bắt tôi dẹp lò, bác lại đứng ra bảo vệ tôi và nạt lại bà hàng xóm nọ khiến bà ta cứng họng. Tất nhiên sau đó bác xuống kể liền với tôi nhưng kèm theo một lời trấn an: "Cứ yên tâm mà bán, bà ấy có qua thì bấm chuông kêu bác xuống để bác giải quyết cho" (^^). Tôi cảng thấy quý bác ghê gớm, gặp bạn chắc cùng giống tôi mà thôi :)

Những ngày đầu bán, tối trời thường hay mưa, bác cũng lo giúp tôi. Hôm nào thấy trời kéo cơn là bác lại qua hỏi trời mưa đấy có bán được không. Khi tôi quyết đinh làm cái bạt để che mưa, bác đồng ý liền. Do mặt bằng trước nhà bác cho văn phòng luật sư thuê, nên tôi phải làm sao đó không làm ảnh hưởng đến chỗ người ta làm việc ban ngày. Vậy nên làm bạt che phải tháo ra được dễ dàng. Ngày tôi làm bạt che, bác phụ tôi từ chiều đến tối mịt, quên luôn cả ăn cơm. Bác còn lôi đục, búa ra để đục nền sân cho tôi chống cây. Tôi cảm thấy bác giống như bố tôi ở quê vậy.

Rồi tôi quyết định thuê thêm căn phòng ở tầng trệt để đựng đồ bán và cũng là để tiện cho việc dọn hàng ra vô. Khi nghe tôi hỏi thuê, bác cũng tỏ vẻ ái ngại giúp tôi, vì tiền phòng này tôi phải gánh hết, thêm một phần của phòng tôi đang ở trước giờ nữa tính ra một tháng tôi cũng phải trả gần 3 triệu tiền thuê. Bác lo tôi gánh không nổi, nhưng thấy tôi kiên quyết, bác cũng đồng ý. Từ ngày thuê phòng, tôi chuyển hẳn xuống đó ở, và bác cũng hay ghé phòng để nói chuyện với tôi. Nhiều khi cũng chẳng có chuyện gì quan trọng, cứ đi ngang qua phòng thấy tôi ở trong là bác vào hỏi thăm vài câu, kể chuyện khu phố, phòng trọ. Nhờ vậy mà tôi cũng nắm rõ tình hình trong khu tôi ở hơn. Nói bác là thông tấn xã khu phố cũng chẳng sai. :)

Kết

Kể về bác chủ nhà, có lẽ kể đến sáng mai cũng chưa hết, nhưng chắc đọc cũng mỏi mắt và tôi đánh máy cũng mỏi tay, nên tôi tạm kết việc PR cho bác chủ nhà tôi ở đây. Tôi chỉ muốn kết lại một chút cho bài viết về bác bằng một lời cảm ơn chân thành gửi đến bác. Nếu không có bác, thực sự tôi sẽ rất khó có thể mở và duy trì được quán bánh tráng nướng nhỏ của tôi. Và bác cũng dạy tôi hiểu rằng: làm người sống trên đời, hãy biết sống cho đi và đừng mong nhận lại.

P/S: Vẫn chưa chụp được hình của bác chủ nhà để khoe với mọi người T.T



NIỀM VUI TỪ NHỮNG THỰC KHÁCH


Những người mang đến niềm vui


Nếu không có khách hàng, sẽ chẳng có người bán hàng


Đây là một điều có lẽ ai cũng biết, và Bánh Tráng Lạc Lâm vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay cũng bởi vì một lý do đơn giản: khách hàng vẫn ghé quán mối ngày.
Với tôi, tiệm bánh tráng này mở ra không chỉ để kinh doanh kiếm tiền, mà đó còn gửi gắm mong muốn của tôi đó là đem niềm vui đến cho khách hàng khi thưởng thức những chiếc bánh nướng đặc sản quê tôi. Nhưng điều tôi chưa nghĩ đến thì nó lại diễn ra. Chẳng biết có ai ăn bánh tôi nướng mà cảm thấy vui vẻ hay không nhưng chính những thực khách lại đem đến cho tôi những niềm vui nếu không mở quán tôi sẽ không bao giờ được trải qua. Những niềm vui ấy đến từ những điều rất giản dị, rất đời thường mà thông thường vì bộn bề cuộc sống ta không nhận ra được, chỉ khi ngồi lại, quan sát kỹ hơn thì ta mới thấy rõ.Nhưng trước hết, tôi cần phải nói sơ qua về khách hàng của tôi trước đã (vì họ là nguồn tạo ra những niềm vui ấy mà).
Khách hàng của Bánh tráng Lạc Lâm, trước hết, là những người bạn học cùng trường với chủ quán, tức là tôi. Họ đa phần là những người quen biết tôi trước đó ghé quán để ủng hộ tinh thần. Nhờ có họ mà những ngày đầu khai trương tôi không phải lo nghĩ nhiều đến việc tìm kiếm khách hàng mà chỉ lo làm sao nướng cho kịp bánh để phục vụ. Nói chung, họ là đối tượng khách hàng mục tiêu mà tôi nhắm đến trong giai đoạn ban đầu khi mới mở quán.
Nhóm khách hàng thứ hai mà tôi hướng đến đó là những người con của vùng đất Lạc Lâm nói riêng và Đơn Dương nói chung. Người Lạc Lâm ở Sài Gòn rất nhiều, và đã là người Lạc Lâm thì ai cũng đều biết đến món bánh tráng nướng mỡ hành (mà quê gọi là Bánh đa hành mỡ) và không ít người rất thích ăn món này. Tuy nhiên ở Sài Gòn chỗ bán vẫn còn khá hạn chế và nếu có thì thường tập trung ở những khu vực ngoại thành (và với một tên gọi khác). Do đó khi mở quán, tôi rất mong sẽ được sự đón nhận từ những người đồng hương của mình trên đất Sài Gòn này.
Nhóm khách hàng thứ ba, là những người sinh sống ở khu vực gần chỗ tôi bán, bởi ai bán cũng mong có khách quen. Ở gần thì dễ mua hơn là ở xa.
Ba nhóm khách hàng, với tôi nhóm nào cũng đầy tiềm năng để có thể bán được hàng, vấn đề là tôi truyền thông ra sao và chất lượng bánh của tôi thế nào nữa thôi.

Những niềm vui nho nhỏ

Mỗi khách hàng đều đem đến cho tôi những niềm vui nho nhỏ, trước hết là niềm vui khi bán được bánh. Khi bạn bán hàng, mỗi lần bán được hàng chắc chắn bạn sẽ đều cảm thấy vui ở một cấp độ nào đó, với tôi là cấp độ cao, vì trước giờ tôi chưa bán hàng bao giờ cả, mà nếu có cũng chỉ toàn bán giùm mà thôi, nên khi tự tay bán được bánh do mình làm ra và thu lại những đồng tiền (có thể tạm gọi cho nó hoa mỹ là :"đồng tiền mồ hôi nước mắt") thì tôi thực sự cảm thây vui xen lẫn chút gì đó tự hào về bản thân mình.
Những lời khuyến khích, động viên từ khách hàng là bạn bè đã thực sự tiếp thêm cho tôi rất nhiều động lực và sự tự tin để tiếp tục bán bánh. Cứ thử tưởng tượng nếu ngày nào bạn cũng chỉ nghe những lời phản hồi đại loại như bánh dở quá, bánh mắc quá hay chủ quán xấu trai quá thì chắc không sớm thì muộn tôi cũng bi quan mà đóng cửa tự..khóc mất thôi. Nhưng may sao, tôi có những người bạn luôn ủng hộ tôi. Nếu bánh chưa được, họ sẵn sàng góp ý thẳng thắn và lần sau họ sẽ quay lại để kiểm chứng. Còn khi bánh vừa miệng, họ chẳng tiếc lời khen động viên tôi. Và mỗi lời động viên đều giống như một viên thuốc tăng lực giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục.
Niềm vui không chỉ đến từ những lời động viên của bạn bè mà còn đến từ những đồng hương của tôi, những người con Lạc Lâm xa quê. Nhiều người ghé quán chỉ vì nhớ hương vị bánh tráng của quê nhà quá. Tôi ở quê ít ai biết và tôi cũng ít biết ai, nhưng khi vào Sài Gòn này, chỉ cần gặp được người Lạc Lâm là coi như thấy quen biết hết. Chẳng vậy mà có những vị khách vào hỏi ở quê nhà chỗ nào, có quen ông này bà kia không, dù chẳng biết ai vào với ai nhưng biết chắc là đã gặp qua (vì Lạc Lâm bé lắm, đi lễ hoặc ra chợ là gặp được hết người rồi). Mỗi lần gặp khách là người Lạc Lâm, tự nhiên cảm thấy ấm áp và vui lắm, bởi đơn giản: chúng ta là người cùng một quê.
Ngoài ra, niềm vui còn đến từ những đứa con nít sống xung quanh chỗ tôi bán hàng. Có những hôm mới thấy tôi nhóm lò là đã có mấy đứa bu lại đòi mua bánh rồi. Dù tôi nói phải đợi nửa tiếng nữa mới có nhưng tụi nhỏ vẫn cứ đứng đợi cho bằng được. Và hôm nào tụi nhỏ mở hàng là y rằng hôm đó đắt khách., Nên tôi thích tụi nhỏ qua mở hàng lắm :)
Thi thoảng có khách vãng lai ghé qua, thấy bán bánh ngồ ngộ nên ghé lại hỏi mua, và câu hỏi tôi hay nhận được nhất là: "Bánh tráng Lạc Lâm nghĩa là sao em?" Thế là tôi có cơ hội xổ ra một tràng về Lạc Lâm quê tôi. Được giới thiệu về quê hương mình cũng đáng tự hào lắm chứ, cho dù quê mình chỉ là một xã nhỏ chẳng có danh lam thắng cảnh nào nổi bật cả.
Và những ngày vắng khách, chỉ cần có một khách hàng ghé quán thôi là tôi đã mừng như bắt được vàng rồi/ Có những buổi chỉ bán được hơn chục cái bánh (vừa đủ tiền vốn) nhưng tôi vẫn rất vui vì dù sao, vẫn còn có khách mua hàng.
Có những khách hàng quen mà chỉ cần thấy họ là biết ngay họ sẽ kêu bánh gì cũng khiến tôi thấy vui, vui vì khách hàng quay lại nhiều lần chứng tỏ bánh của mình ăn được (ăn được nên họ vẫn còn sống và quay trở lại ăn tiếp :) ). Đặc biệt nhất là có một vị khách mà mỗi lần ghé quán là lại dẫn thêm những vị khách khác tới để giới thiệu. Vị khách đó đặc biệt đến mức tôi đã mặc định chế độ giảm giá khi thấy mặt người ấy ghé quán (kiểu như quét thẻ tự động vậy đó). Và nếu khoảng 3 hôm mà không thấy ghé là bắt đầu "nhớ nhớ".
Và còn nhiều những niểm vui giản dị khác nữa mà những vị khách hàng dễ thương mang đến cho tôi và quán bánh tráng nướng nhỏ của mình. Họ chính là nguồn động lực để tôi tiếp tục theo đuổi con đường mà tôi đã chọn, bởi tôi biết, tôi không chỉ có một mình.

Tìm kiếm những niềm vui nho nhỏ nơi việc làm của mình chính là cách tốt nhất để mình làm việc hiệu quả hơn.


Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

NHẬT KÝ NGÀY 13

Ngày 13 - vắng....


Thứ tư, ngày 13, tháng 8, năm 2014...

Hôm nay, lẽ ra tôi định viết về những điều may mắn đã đến với tôi khi bắt đầu mở quán Bánh Tráng Lạc Lâm, nhưng không hiểu sao tôi viết đi, viết lại mà vẫn không ưng ý với bài viết của mình, bởi tôi thấy hoàn toàn không có tí tẹo cảm xúc nào cả. Chẳng biết cái con số 13 có ảnh hưởng gì đến tâm trạng của tôi hôm nay không nữa. Nhưng tôi chỉ biết một điều chắc chắn, hôm nay là ngày 13.

13 - số xui? Tôi cũng chẳng biết có xui hay không, chỉ biết giá bánh Trứng - Nâm mèo của quán tôi là 13 ngàn đồng. Và hôm nay, tôi đã nhìn còn số 13 ấy đến cả chục lần trên cái lịch treo tường của bác chủ nhà ngay chỗ cầu thang. Nhưng tôi chẳng quan tâm, cũng chỉ là một ngày thôi mà, nhưng là một ngày đẹp trời, mà tôi thì thích đẹp trời, đặc biệt vào buổi chiều tối, khi tôi bán bánh tráng nướng.
Trời không gợn chút mây, 6 giờ chiều mà vẫn sáng trưng như ban ngày, còn tôi thì ngồi nghịch than "hóng" khách. Có một điều lạ là hôm nào trời đẹp là hôm đó quán tôi vắng khách hơn so với những ngày trời chuyển cơn mưa. Hôm nay cũng chẳng phải ngoại lệ. Nhưng tôi thì đã quá quen với cảnh này rồi và cũng không lấy gì làm buồn rầu cho lắm. Rảnh rỗi tôi tranh thủ lôi cuốn sách mới mua ra đọc cho đỡ phí thời gian.Và những cuốn sách tạo động lực kiểu như cuốn sách tối nay tôi đọc cũng giúp tôi rất nhiều trong việc tự động viên bản thân không được bỏ cuộc, nhờ vậy mà tôi vẫn còn tiếp tục bán bánh, không chắc tôi đã xin việc ở đâu đó và từ bỏ con đường của mình đã chọn rồi.
À quên khoe, hôm nay tôi mới đặt thêm một bảng menu to bự ngay cạnh lò nướng để khách hàng mua về dễ chọn và người qua đường cũng biết là Bánh tráng Lạc Lâm gì gì đó nó bán cái gì. Thấy cũng hiệu quả chút chút khi ai đi ngang qua cũng ngó cái bảng. Nhưng ngẫm lại, không biết có phải do chữ tôi "đẹp" quá khiến người ta phải ngắm nhìn hay không nữa, khả năng này có vẻ dễ xảy ra (công nhận chữ tôi nắn nót "đẹp " thật T.T). Nhưng nói chung cũng nhờ tấm bảng ấy mà có một số khách đi đường thấy tò mò nên ghé lại hỏi rồi mua thử bánh.
Thỉnh thoảng mới có khách ghé mua đem đi nên tôi vẫn tiếp tục có thời gian ôm cuốn sách. Trời tối, tôi đọc sách dưới ánh đèn vàng của điện đường, không sáng lắm nhưng cũng đủ đọc thấy chữ. Đọc được một lát tôi nhìn đồng hồ, đã bảy rưỡi rồi, và tôi bắt đầu thấy thiếu thiếu một điều gì đó, chính xác là một người, bạn gái tôi. Bình thường giờ này là bạn gái tôi đã ghé để phụ tôi nướng bánh rồi, tôi tự nhủ:" Chắc là công ty có việc nên về trễ", rồi lại cắm đầu vào cuốn sách. Nhưng chữ nghĩa bắt đầu nhảy múa đi đâu đó chứ không còn nhảy vào đầu tôi nữa, chắc là do cái sự ngóng trông kia nó tạo ra một rào cản khiến mấy con chữ không thể vượt rào mà vào được trong não tôi. Tôi đành để cuốn sách qua một bên và lại quay qua...nghịch than (thú vui tao nhã mỗi khi quán vắng T.T)
Cũng may sao có người bạn thân ghé quán, và dẫn theo một bạn nữ xinh xắn nữa. Vậy là có người nói chuyện, mặc dù cũng chỉ nói được chút ít chứ không nhiều. Mà cũng vui, cứ bữa nào vắng khách là thể nào người bạn này cũng đến và kéo theo vài người khác nữa đến giống như kiểu anh hùng đến cứu mỹ nhân ấy (có vẻ hơi ngược ngược ;)))). À nhân tiện nói về người bạn này thì bạn nữ xinh xắn đi cùng là gái Hà Nội (không liên quan mấy nhưng thôi kệ ^^). Ban ấy vào nam công tác, và bị người bạn của tôi dụ dỗ đi dạo quanh Sài Gòn, tất nhiên không thể bỏ rơi quán bánh tráng nướng của tôi rồi. Nghe nói con gái Hà Nội khó gần lắm, nhưng mình thấy cô bạn này hết sức dễ gần và cũng rất dễ thương nữa. Bạn ý rất tự nhiên và điểm mà tôi thích nhất đó là bạn ý khen bánh ngon (tự sướng tí ^^). Nói chuyện một lát thì phát hiện ra bạn ý cũng có cùng quê gốc với tôi là ở Hải Dương, mặc dù 23 năm sống trên đời này tôi chưa một lần được biết đất Hải Dương màu gì, nhưng cứ cùng một điểm gì đó chung là vui rồi :).
Ngồi được 1 lát thì 2 cô gái ấy cũng tạm biệt tôi để tiếp tục dạo phố, bỏ lại tôi quay lại với một sự trống trải như lúc ban đầu. Lúc này đã là 8 giờ 20, vậy là bạn gái tôi tối nay không qua. Tôi gọi điện thử, điện thoại tắt máy. Chắc hết pin. Coi như hết liên lạc. Tôi lại quay lại với niềm vui nhỏ nhỏ của mình - nghich than - để cảm thấy bớt cô đơn (mặc dù thằng em tôi vẫn luôn ngồi ngay gần đó từ đầu buổi đến giờ). Quả thật, yêu đương nó cũng có cái khổ của nó.
Cầm cự được đến 9 giờ, thấy tình hình khách không còn, tôi quyết định dọn hàng sớm. Coi như kết thúc một ngày buôn bán không được khả quan cho lắm, nhưng vẫn may là đủ tiền để sáng mai đi chợ. Nhớ lại tựa đề cuốn sách tôi đang đọc dở và tự nhủ với lòng: Hôm nay ta giàu có (thiếu chút hơi người thôi :) ).

Tóm lại, hôm nay ngày 13, và tôi thì thấy nó vẫn như những ngày khác, chẳng có điều gì xui xẻo xảy ra cả, và tôi cũng bán được 1 cái bánh trứng nấm mèo giá 13 ngàn đồng hẳn hoi. Rút ra một điều: chẳng có ngày nào là ngày xui cả, chỉ có ngày ta nghĩ ta gặp xui mà thôi!


Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

NHỮNG KHÓ KHĂN ĐẦU TIÊN

Bánh Tráng Lạc Lâm - ngày vắng khách


Khó khăn

Khó khăn luôn gắn liền với những cái đầu tiên, thậm chí chỉ một việc đơn giản như luộc trứng thôi nhưng lần đầu tiên luộc chắc hẳn bạn sẽ phải đứng ngồi không yên và cứ đứng chăm chăm nhìn nồi luộc trứng một phút không rời chẳng hạn. Và với tiệm Bánh tráng Lạc Lâm, dự án kinh doanh, đứa con tinh thần đầu đời của tôi cũng đem đến cho tôi không ít khó khăn.
Ngày khai trương chính thức như thông báo là vào ngày thứ ba, và trời cũng rất thương tôi khi ban ngày trời trong xanh, nắng long lanh đến thiếu điều...chảy mỡ  (dù tôi chẳng có chút mỡ nào), ấy vậy mà đùng một cái, đến lúc tôi nhóm lò lên thì mưa ầm ầm như trút. Chẳng có dù hay bạt che, chỉ có mỗi hiên nhà nhỏ làm chỗ che mưa khiến cả tôi lẫn những khách hàng đầu tiên ghé quán phải cùng lui vào trong hiên nhà nhỏ ấy. Cũng may là mưa không quá kéo dài nên cuối cùng tôi vẫn có thể tiếp tục bê lò ra ngoài để nướng. 
Nói đến việc bê lò lại là cả một vấn đề nữa, chuyện là tôi vẫn chưa có thời gian để làm kệ kê lò nên đành phải sử dụng mấy hòn gạch kê lên. Mỗi lần bên lò là cả một quá trình gian khổ từ nhấc lò đến di chuyển mấy cục gạch, mà cả lò lẫn gạch đều nóng kinh khủng, có lần xém nữa tôi làm đổ nguyên lò than đang cháy đỏ.
Không chỉ có lò than, những ngày đầu, đồ đạc bán bánh của tôi chẳng có lấy 1 cái kệ để cho gọn gàng mà phải sử dụng mấy chiếc bàn xếp, mỗi lần dọn đồ ra hay cất đồ vào là nhọc công vô cùng, vì phòng tôi trọ ở tần 2, mỗi lần bê đồ gì ra là phải chạy lên chạy xuống cầu thang, lâu lâu quên có chai tương cũng phải chạy lên, lấy chai tương xong lại thấy quên chén tương và lại...chạy lên lần nữa. Một buổi chiều tối mà 2 anh em tôi có khi chạy lên chạy xuống cả hơn chục vòng cầu thang. Chả vậy mà mỗi lần dọn hàng xong, thằng nào cũng mệt thè lưỡi, chẳng còn sức đâu mà tắm rửa, tửa đồ. Tất cả đành phó mặc vào sáng mai, vì đuối quá rồi.
Nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề lớn nhất, cái mà khiến tôi nhiều phen lao đao đó là khoản canh lửa lò để nướng bánh. Do chưa có kinh nghiệm nên những ngày đầu, lò than lúc thì cháy một cách hờ hững, chẳng buồn ngó ngàng đến mấy em bánh tráng bên trên làm mấy em í mãi chẳng chín được. Nhưng có lúc mấy anh chàng than lại quấn quít mấy cô bánh tráng thái quá làm mấy cô í cháy đen thui một mảng. Có những bữa mà bánh nướng hư thu được cả một bịch đầy. Thấy mà nản. Lò than vậy nên nhiều lúc khách đến phải đợi cả một lúc lâu mới được một cái bánh, mà có khi bánh lại cháy làm khách ăn mất cả ngon. Thấy mà đau lòng! Cũng may những ngày đầu chủ yếu bạn bè quen biết nên ai cũng tỏ vẻ thông cảm và động viên tinh thần để chiến sĩ không buông súng.
Quay trở lại vấn đề thời tiết, những ngày đầu khai trương là những ngày mà hầu như chiều nào trời cũng mưa, và quán nhỏ của tôi thì chẳng có lấy một mảnh dù hay bạt che, vì vướng ngay văn phòng luật sự làm việc, và cũng vì tôi chưa có vốn để đầu tư. Vì thế mỗi lần thấy trời mưa là tôi ngán ngẩm lắm, không phải mưa không có khách, mà vì mưa không có đủ chỗ cho khách ngồi. Còn nhớ có một bữa khách thì cả gần 20 người ngồi chen chúc trong không gian chật hẹp của cái hiên nhà mà tôi thấy áy náy vô cùng.
Ngoài những khó khăn to bự kể trên, tôi còn gặp phải vô số những khó khăn khác, ví dụ như con dao cắt hành được vài bữa là lụt, giá một số nguyên liệu mua tại Sài Gòn thì chỉ có lên mà không có xuống, bánh tráng gửi từ quê xuống toàn bị bể, căn phòng trọ của tôi đồ chất ngày một nhiều mà thằng bạn cùng phòng lại chuẩn bị từ quê vào lại, ... nói chung là kể ra thì không biết khi nào mới hết. Chỉ chốt lại một câu đơn giản là: Nghĩ thì dễ, làm rồi mới thấy khó.

Vượt qua khó khăn

Khó thì phải tìm cách vượt qua, nhưng không phải nói vượt là vượt được liền, bởi tôi suy cho cùng cũng chỉ có một mình xoay sở là chính, vì vậy tôi sử dụng chiến lược "Chia để trị", tức là chia nhỏ những vấn đề ra để giải quyết theo kiểu từng phần, từ từ một chứ không ôm đồm nhiều thứ một lúc.
Đầu tiên là đối phó với trời mưa, chưa có tiền mua dù, tôi liền nghĩ ngay đến việc mượn mấy cây dù của cô hàng nước đối diện (vì cô chỉ bán ban ngày). Để có thể mở lời được tôi phải uống nha đam đường phèn ở quán cô đến cả mấy ngày liền, rồi cuối cùng cơ hội cũng đến khi cô hỏi tôi chiều bán cái gì. Nhờ cái câu hỏi ấy mà tôi mở lời được, vừa hỏi mượn là cô cho mượn ngay. Tôi mừng như mở cờ trong lòng. Cũng nhờ hai cái dù ấy mà tôi cũng chống chọi qua gần 2 tuần lễ với tiết trời toàn mưa (mặc dù nhiều khi cũng lao đao với 2 cây dù này ^^)
Xong được phần che mưa tạm thời, tôi tiếp tục tính đến việc cải tiến chỗ nướng sao cho dễ di chuyển. Đầu tiên là phải làm chân kê lò. Dành dụm mấy buổi đầu bán bánh cũng được một số tiền, tôi sử dụng nó để mua thép về làm chân lò, tiện thể mua luôn một cây tip dài cũng một miếng bạt lớn để làm bạt che (vì dù sao 2 cái dù cũng chỉ che được mỗi tôi và cái lò mà thôi). Còn nhớ bữa đi mua đồ làm là một buổi trưa chủ nhật trời mưa tầm tã, 2 anh em tôi đi mua đồ, về ráp đến gần 8 giờ tối mới xong.
Vấn đề tiếp theo, vô cùng quan trọng, đó là điều chỉnh lửa lò sao cho nướng bánh không bị cháy hoặc bị sống. Tôi phải gọi điện về quê cầu cứu bác tôi, kết hợp với kinh nghiệm mấy ngày nướng để cuối cùng có cách chỉnh lửa lò cháy êm hơn, nhờ vậy mà tốc độ nướng được cải thiện phần nào và bánh cũng ít bị cháy hơn.
Để tiện cho việc dọn hàng ra vào, tôi đã quyết định thuê luôn thêm một căn phòng trong khu trọ ở tâng trệt ngay gần cửa ra vào sau 1 tuần đầu tiên bán bánh. Nói thực là cũng chẳng biết có thể gánh được khoản tiền trọ gần 3 triệu đồng mỗi tháng hay không, nhưng tôi vẫn cứ liều mạng thuê, đến cả bác chủ nhà cũng phải lo giùm tôi, mặc dù căn phòng ấy cũng lâu rồi chưa có ai thuê. Nhờ đó mà thay vì mất cả hơn tiếng đồng hồ mỗi lần dọn hàng ra vô như trước đó, chúng tôi chỉ mất khoảng nửa tiếng (và sau này khi làm thêm mấy cái kệ để đồ thì mỗi lần dọn hàng chỉ mất chừng 10 phút). Vậy là vừa nhanh, vừa tiện lại vừa đỡ mất sức chạy lên chạy xuống, và tôi cũng không phải lo ngủ ngoài hành lang nữa khi bạn tôi vào thành phố.
Rút ngắn được thời gian dọn hàng, tôi tiếp tục suy nghĩ làm sao để rút được thời gian chuẩn bị nhân hành. Sau vài bữa thử nghiệm cách chế biến mới khác với cách mà bác tôi dạy tôi, thì cuối cùng tôi cũng rút ngắn được thời gian chuẩn bị nhân hành xuống còn một nửa so với trước. Ngoài ra tôi cũng sắm cho mình một cái mài dao (mà giá của nó còn mắc hơn con dao) để tăng hiệu suất thái hành. Nếu như những ngày đầu, tôi phải chuẩn bị từ 1 giờ chiều thì nay, 3 giờ rưỡi chiều tôi chuẩn bị vẫn kịp như thường. Và chuyện chuẩn bị hàng với tôi trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Đến đây chắc các bạn sẽ nghĩ việc bán bánh sẽ trở nên dễ dàng hơn với tôi đúng không? Đúng là dễ dàng ở mặt này, nhưng lại xuất hiện những khó khăn mới.

Khó khăn đẻ khó khăn

Bán được khoảng hơn 2 tuần với lượng khách khá ổn định mỗi chiều tối, thì đến gần tuần thứ 3, lượng khách bắt đầu giảm một cách rõ rệt. Và lúc này tôi mới hận ra một sự thật là: bạn bè, người quen thì cũng chỉ có thể ủng hộ được mình thời gian đầu, còn muốn sống được, phải tìm kiếm những khách hàng là người lạ. 
Đúng là tôi có quen biết khá nhiều người trong trường nơi tôi học, nhưng nhiều không phải là vô hạn, chưa kể là những người tôi quen biết lại đang trong thời gian tất bất với nào là thi cử, nào là chuẩn bị đi mùa hè xanh, nào là chuyển nhà (vì năm học sau chuyển học ở Quận 7), nào là về quê,... Mà từ bữa khai trương đến giờ cũng chỉ có bạn bè biết đến quán bánh tráng nướng của tôi, nên khi họ bận, thì quán cóc của tôi bắt dầu ế ẩm. Có những buổi tối trời đẹp lắm, trăng sáng thật sáng, gió thổi mát rượi, nhưng chẳng có ai ghé quán. Liên tiếp mấy ngày như vậy khiến tôi thấy thực sự nản và chỉ muốn dừng lại.
Nhưng cũng may, tôi vẫn tiếp tục. Bốn năm học đại học về ngành Marketing cũng dạy tôi biết rằng: khi hoạt động kinh doanh kém hiệu quả thì không được co cụm để tránh thua lỗ mà phải tăng cường các hoạt động marketing để thu hút khách hàng đến với mình nhiều hơn. Và tôi lại tiếp tục đầu tư cho quán nhỏ của tôi.
Trước hết là cái bảng hiệu. Từ bữa khai trương, bảng hiệu của quán tôi chỉ là một cái nong đan dán chữ đề-can, sáng sáng còn thấy chữ chứ đến tối là chịu. Nhờ đứa bạn thiết kế giúp cả tuần trời nhưng cuối cùng nó lại bận chạy dự án, nên cuối cùng tôi lại phải tự ngồi vận dụng hết những hiểu biết nửa vời của mình về photoshop để tự thiết kế và đi in. Sau đó là tận dụng cái khung cửa cũ mà tôi nhặt được ngoài đường để làm cái khung. Và sau 2 ngày thì bảng hiệu nho nhỏ của Bánh Tráng Lạc Lâm cũng đã được hoàn thành. Tất nhiên là không được chuẩn cho lắm nhưng đó là hết khả năng của tôi rồi. Cũng nhờ cái bảng hiệu nhỏ nhỏ ấy mà có thêm những khách hàng mới ghé thăm quán của tôi mỗi tối, và 10 người đi ngang thì cũng có đến 7-8 người nhìn vào cái bảng hiệu ấy. Lúc này tôi mới phát hiện ra một sự thật phũ phàng là bữa giờ, nhiều người vẫn cứ nghĩ tôi bán khô mực nướng hay thậm chí có những người chiều nào cũng đi ngang qua mà chẳng biết tôi bán cái gì. Đúng là tôi đã quá chủ quan khi nghĩ rằng quán cóc thì chẳng cần bảng hiệu chi cho tốn kém! Cảm ơn một người chị đã khuyên tôi nên làm thêm cái bảng hiệu cho mọi người thấy để còn biết. Học Marketing mà cuối cùng tôi lại bỏ qua điều căn bản nhất của Marketing, đúng thật đáng trách.
Làm xong cái bảng hiệu, tôi bắt đầu có thêm những khách hàng mới là những người tôi không biết trước đó, và tôi tiếp tục nghĩ cách để hoàn thiện quán mình hơn. Nghe khách hàng nói nên thêm nhiều loại nước hơn, tôi liền nghĩ ngay dến món siro đá bào mà hồi nhỏ ở quê tôi vẫn hay ăn. Nghĩ là làm, tôi liền lên mạng tìm mua máy xay dá bào vì nghĩ nó sẽ trở thành món đặc trưng của quán, chắc chắn sẽ bán được, phải mua máy mới kịp để bán. Và tôi mua một chiếc máy xay đá bào với một niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của món si rô đá bào. Nhưng đời chẳng bao giờ như mình mơ cả. Một tuần đầu tiên tôi chỉ đem máy ra đúng được 2 ngày. Lý do thì rất đơn giản: nguyên liệu không phù hợp với đá bào. Trước đó tôi chủ yếu bán nước siro từ nước cốt, nên khi kết hợp với đá bào, đá tan ra rất nhanh, dù có đổ rất nhiều nước cốt nhưng chỉ một lát sau đá tan là nước lại lạt nhách. Vừa tốn nguyên vật liệu lại vừa bị khách chê. Sau đó tôi cũng đi kiếm các loại si rô khác để thay thế, nhưng loại thì không đảm bảo chất lượng, loại thì giá quá mắc. Cuối cùng tôi đành để chiếc máy đá bào ấy nằm một góc và sau đó 1 tháng, tôi quyết định bán rẻ nó lại cho người khác. Coi như một vụ đầu tư thua lỗ, nhưng cũng cho tôi một bài học về hậu quả của cách nhìn vấn dề quá chủ quan của bản thân tôi.
Từ vụ máy xay đá bào ấy, tôi quyết định chỉ chú tâm vào việc hoàn thiện và tạo thêm ra các loại bánh mới, bởi tiệm của tôi là bán bánh tráng nướng là chủ yế còn nước uống chỉ là phụ mà thôi. Nhờ vậy tôi không còn phải suốt ngày suy nghĩ món nước mới, thay vì đó tôi đã tạo ra thêm được 2 loại bánh mới và cũng cải tiến những chiếc bánh của mình hơn 1 chút. Mỗi lần có khách khen bánh hôm nay ngon hơn hôm trước là lại cảm thấy vô cùng sung sướng. Bên cạnh đó tôi cũng học thêm 1 khóa học pha chế và đưa thêm vào danh sách nước uống một vài món đơn giản dễ làm.Đúng là khi mới khởi đầu, cần biết dồn lực để phát triển trọng tâm trước rồi mới tính đến việc mở rộng, nếu không thì chẳng có cái nào đạt hiệu quả tốt cả. 

Cũng mừng là sau hơn một tháng mở quán, quán của tôi vẫn còn tồn tại. Mặc dù có lúc này lúc khác, khó khăn thì luôn tồn tại, nhưng càng ngày, tôi lại càng trưởng thành hơn. Tôi không còn thấy bi quan, chán nản mỗi khi quán vắng khách, thi thoảng tôi còn mong quán vắng để tôi có thời gian thử nghiệm món mới nữa là đằng khác. Tôi cũng chẳng lấy làm buồn phiền khi có người tới "mắng vốn", thậm chí có người chê bánh tôi nướng một cách thẳng thừng ngay trước mặt cũng không khiến tôi cảm thấy bị tự ái, mà ngược lại còn trở thành động lực để tôi tiếp tục cố gắng hơn. Biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, người ấy quay trở lại, ăn bánh của tôi và lại khen bánh ngon thì sao? 

Luôn giữ một thái độ sống tích cực thì ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, ta vẫn thấy có những điều tốt đẹp hiện hữu.


Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

BÁNH TRÁNG LẠC LÂM - NGÀY CHÀO ĐỜI


Chào đời

Trước ngày chào đời

Thường thì trước ngày sinh đứa con đầu lòng, gia đình ai cũng phải lo chuẩn bị mọi thứ từ cái khăn, cái tã đến phích nước, sữa tắm,.. đủ các loại. Sắm đủ rồi nhưng cứ suy đi, tính lại thì thế nào cũng lòi ra cái chưa có, và thế là lại đi sắm sửa. Và đứa con đầu tiên, cách tôi gọi cái tiệm bánh tráng của tôi, cũng khiến tôi phải vất vả và vật vã như thế.
Sau những cố gắng để có thể nhận được sự đồng ý từ các bên liên quan, tôi bắt đầu ngay vào việc sắm sửa đồ đạc để chuẩn bị cho ngày khai trương ngay sau khi từ Lạc Lâm xuống lại Sài Gòn, thời gian tôi có chỉ vỏn vẹn 5 ngày. Một danh sách dài dằng dặc các thứ phải sắm sửa đã được tôi ghi ra. Nào là thùng đá, chén đựng tương, chai tương, ghế ngồi, hộp đựng giấy ăn, sọt rác, rổ đựng,... càng ghi tôi lại càng thấy thiếu, mà thiếu thì lại phải ghi thêm nữa. Cuối cùng nhìn lại cái danh sách, rồi ngó lại cái bóp tiền của mình, tôi lắc đầu ngán ngẩm:"Tháng này ăn mì tôm chắc cú!". Nhưng ngán thì ngán nhưng vẫn cứ phải sắm, vì không sắm lấy đâu ra đồ để bán? Thế là tôi rủ thằng em ruột của mình làm một chuyến ra chợ Bình Tây để sắm đồ.
Không ngoài dự đoán, những món đồ lặt vặt tính riêng từng món thì chỉ vài ngàn nhưng khi gộp chung lại thì tính ra cũng cả gần triệu bạc, cũng may là đem đủ tiền. Lúc này tôi mới thấy khâm phục những nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng để đầu tư vào các dự án. Tôi bỏ ra có hơn triệu bạc để đầu tư thôi mà cũng thấy xót nữa là. Nhưng mà, đã gọi là đầu tư thì không có gì hối tiếc, mà chỉ có kỳ vọng. Tôi kỳ vọng những thứ mà tôi đầu tư sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp
Lượn một vòng quanh chợ Bình Tây, 2 anh em tôi tay xách nách mang vác đồ về chỗ trọ, chất đầy cả một góc phòng. Cũng may đợt đó thằng bạn cùng phòng tôi về quê, nếu không chắc tôi phải ra ngoài hành lang mới có chỗ ngủ. Nhưng có ra ngoài hành lang ngủ tôi cũng chịu, vì đơn giản đứa con của tôi sắp sửa ra đời rồi.

Đặt tên


Đặt tên, nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng khi bắt đầu suy nghĩ thì mới thấy khó khăn đến chừng nào. Đặt tên gì cho tiệm bánh nướng của tôi bây giờ? Bán lề đường thì toàn thấy người ta đặt những cái tên vô cùng đơn giản như đặt theo số nhà, đặt theo tên đường, hoặc đặt theo tên chủ quán. Tôi bắt đầu nghĩ đến những cái tên như "Bánh Tráng Nướng Phú Hòa", "Bánh Tráng 20A", "Bánh Tráng A Huân". Nhưng suy đi tính lại tôi quyết định bỏ đi những cái tên đó, và tôi quay trở lại với câu hỏi:: Mục đích mở quán của tôi là gì? Kinh doanh? Cũng đúng nhưng chưa đủ. Vậy thì còn gì nữa? Đó là tôi muốn mọi người biết đến vùng đất quê tôi, Lạc Lâm, và cũng muốn mọi người thấy rõ được bánh tráng tôi nướng là món đặc sản của vùng đất Lạc Lâm quê tôi, chứ không phải ở một vùng nào khác, ví dụ như Đà Lạt (mặc dù quê tôi cũng ở gần Đà Lạt, nhưng bánh tráng nướng Đà Lạt và bánh tráng nướng Lạc Lâm là 2 loại khác nhau). Cuối cùng, tôi quyết định đặt tên quán là "Bánh Tráng Lạc Lâm", một cái tên đơn giản nhưng gửi gắm biết bao nhiêu ý nguyện của tôi trong đó, cái tên mà tôi mong một ngày sẽ được đông đảo người Sài Gòn biết đến, dù ngày đó tôi cũng chẳng biết là khi nào. Nhưng điều quan trọng ở hiện tại, quán của tôi đã có tên!

Thông báo


Mọi thứ đã sắn sàng, giờ chỉ đợi đến ngày ra mắt nữa thôi. Nhưng làm sao để mọi người biết đến sự tồn tại của một cái quán cóc chuẩn bị mở mới là vấn đề, vì mở ra mà không có ai ghé thì coi như thất bại. Cũng may tôi là người có mối quan hệ khá là rộng rãi trong ngôi trường đại học mà tôi sắp sửa bị đá đít ra khỏi, và những người bạn tôi quen biết trở thành đối tượng mục tiêu mà tôi nhắm đến trong những ngày đâu khai trương. Lúc này tôi mới thấy yêu cái bạn da xanh tên Facebook đến nhường nào. Nhờ bạn ấy mà tôi có thế lập ra được fanpage Bánh Tráng Lạc Lâm và bắt đầu đăng tin thông báo cho mọi người biết đến. Thế là mỗi ngày tôi lại dành ra một khoảng thời gian để đăng bài, để dụ dỗ, lôi kéo những đứa bạn ghé quán tôi nhân ngày khai trương sắp tới thông qua Facebook.

Sinh non


Thông báo ngày giờ xong xuôi đâu vào đấy, đồ đạc cũng chuẩn bị hết rồi (à còn thiếu mấy cái bàn, nhưng đó lại là một câu chuyên khác lát kể sau), thì tôi nhận được điện thoại của mẹ. Đó là vào ngày thứ hai, tức là một ngày trước khi khai trương. Sau khi nghe điện xong, tôi ngồi nhìn đống đồ ngổn ngang đang đợi sắp xếp lại trước măt, tự hỏi: Chiều nay lấy gì mà khai trương đây trời?
Mẹ tôi gọi điện nói tôi có khai trương thì hoặc là chiều nay hoặc là đợi tới thứ 7, chứ không được chọn ngày hôm sau (tức thứ 3), bởi vì bố ở nhà xem lịch kêu mai là ngày xấu. Thôi thì cũng phải nghe lời bố mẹ chứ biết sao, nói chứ mấy vụ này có kiêng có lành mà. Nhưng nếu ngày mai không khai trương thì làm sao đợi đến thứ 7, trong khi đã thông báo cả mấy hôm nay rồi, còn chiều nay mà khai trương thì đã chuẩn bị gì đâu. Thật là đau đầu mà.
Nhưng trong cái rủi nó có cái may, tôi chợt nhớ đến hũ mắm ruốc mà bác tôi đã chuẩn bị cho tôi từ hôm xuống thành phố, vậy là tôi có món để làm rồi đấy chứ. Chưa chuẩn bị được hành mỡ thì thôi ta nướng bánh mắm ruốc vậy. Nghĩ là làm, tôi liền sắp xếp đồ đạc lại rồi chạy ra chợ mua vài kí than về để sẵn sàng khai trương ngay trong chiều hôm đó. Không bảng hiệu, chỉ có cái lò than, hũ mắm ruốc với túi bánh tráng, thêm vài cái ghế nhựa và mấy cái bàn ngồi học của tôi. Khách hàng, tất nhiên không phải những người bạn của tôi, mà là những người trong khu trọ của tôi. Thực đơn ngày hôm đó của quán chỉ vọn vẹn một món: Bánh nướng mắm ruốc. Còn người mở hàng đầu tiên cho tôi, không ai khác ngoài chính bác chủ nhà.
Thế là đứa con tinh thần đầu tiên của tôi đã ra đời một cách đầy vội vã trong mùi mắm ruốc lan tỏa khắp con hẻm nhỏ (sau đó thì tôi bị vài người qua mắng vốn vì cái tội để mùi mắm ruốc bay hết qua nhà họ)

Khởi đầu luôn không bao giờ dễ dàng, nhưng nếu ta đã khởi đầu được, nghĩa là ta đã sẵn sàng để bước vào cuộc chơi, một cuộc chơi không có người thắng, kẻ thua, mà chỉ có người kiên trì và kẻ bỏ cuộc mà thôi.

Bài đăng phổ biến