Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

MỘT CHIẾC BÁNH TRÁNG RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

Bánh tráng Lạc Lâm
Có lẽ ít có ai nghĩ đến việc chiếc bánh tráng mình ăn mỗi ngày nó được làm ra như thế nào, và nếu có vô tình nghĩ tới thì có lẽ nhiều người cũng nghĩ :"chắc cũng đơn giản, vì chỉ là cái bánh tráng thôi mà". Hôm nay tôi sẽ nói cho các bạn biết cụ thể về sự ra đời của một chiếc bánh tráng ở Lạc Lâm quê tôi, cụ thể hơn là những chiếc bánh tráng của mẹ tôi.

Nào bắt đầu với nguyên liệu làm ra những chiếc bánh tráng trước nhé! Bánh tráng mẹ tôi được làm chủ yếu từ bột gạo, muốn có bột gạo thì trước hết phải có gạo. Gạo sẽ được ngâm trong nước khoảng 1 ngày để hạt gạo nở mềm ra trước, sau đó được cho vào cối xay và trở thành bột ở dạng lỏng (bột này dùng để làm bánh xèo hay bánh căng rất ngon đấy nhé ^^). Thường thì mẹ tôi sẽ ngâm gạo vào buổi tối, sau 1 ngày, vào sáng của ngày tiếp theo nữa, khoảng 3 giờ sáng, bố tôi sẽ xay gạo. Những dòng bột gạo chảy từ chiếc cối xay như dòng sữa mẹ vậy, trắng mịn và thơm nức mùi gạo.

Sau khi có bột gạo, để bột có thể kết dính lại với nhau, cần thêm bột nhất (hay gọi là bột mì). Không giống như nhiều người làm bánh tráng khác ở  Lạc Lâm, mẹ tôi sử dụng bột nhất chín để trộn vào bột gào theo 1 tỷ lệ nhất định, nhờ vậy chiếc bánh tráng được trắng mịn và mềm xốp hơn, mặc dù phải tốn nhiều thời gian hơn so với việc sử dụng bột nhất sống. Bột nhất tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc bánh tráng có được chín đều và đẹp hay không. Nếu quá ít hoặc quá nhiều, bánh khi tráng xong sẽ rất dễ bị rách.


Vậy là xong phần bột để tráng, chuẩn bị tráng bánh thôi. À quên, mẹ tôi còn cho thêm mè trắng vào bột trước khi tráng nữa. Rồi, bắt đầu tráng bánh thôi. Muốn tráng thì phải có lò để tráng. Lò tráng bánh thì thường được đắp bằng đất với 2 nồi hơi được bố trí sát nhau và sử dụng các vật liệu như vỏ trấu, vỏ cà phê, mùn cưa và củi trộn chung lại với nhau để đun. Nước được đổ đầy vào 2 nồi hơi, một miếng vải mỏng được căng lên, và đó cũng giống như cái chảo để đổ bột lên vậy.
Nơi sản xuất những chiếc bánh tráng

Dụng cụ tráng của mẹ tôi rất đơn giản, 1 cái muôi múc bột và tráng bột ra cho tròn, 1 ống nước ngắn vừa tầm nắm tay và 1 que tre. Đầu tiên mẹ tôi sẽ múc bột, đổ lên bề mặt miếng vải đặt trên lò hơi và sử dụng mặt ngoài của chiếc muôi để tráng bánh đều ra theo hình tròn, sau đó sẽ dùng 1 chiếc vung úp lại, đợi khoảng 10 giấy sau sẽ mở nắm vung vả dử dụng đồng thời chiếc que tre và cái ống nước để lấy bánh ra khỏi nồi rồi dán vào bề mặt những chiếc giàng. Nói nghe thì đơn giản vậy nhưng khi thử làm thì cực kỳ là khó khăn, Người lần đầu tráng thứ bánh sẽ có đủ hình dạng (trừ hình tròn) và khi lấy bánh ta sẽ rất dễ bị rách. Ngay cả bố tôi nhiều lúc cũng muốn vào tráng phụ mẹ tôi nhưng cuối cùng cũng lắc đầu chịu thua vì bánh toàn bị rách. Thế mới biết những người tráng bánh khéo léo đến như thế nào (bạn nào muốn thử tráng thì ghé qua Lạc Lâm nhé ^^).

Bánh sau khi được dán lên những chiếc giàng sẽ được đem ra phơi ngoài trời. Nếu nắng đẹp thì phơi khoảng chừng 2 tiếng đồng hồ sẽ khô. Chắc nhiều bạn sẽ nghĩ việc phơi bánh này là đơn giản, nhưng sự thật thì phải người có kinh nghiệm mới canh được lúc nào bánh khô để lấy vào. Vì nếu để khô quá, bánh sẽ giòn và dễ bị vỡ , còn nếu bánh chưa khô, sẽ rất dễ bị ẩm mốc trong quá trình bảo quản. Chưa kể khi phơi bánh còn phải canh chừng chim chóc sà xuống môt bánh. Mỗi lần về quê, tôi thường lãnh trách nhiệm phơi bánh và trông chim. Hôm nào trời nắng đẹp thì công việc rất nhàn nhã, nhưng hôm nào mà gió lớn hoặc chim nhiều hay trời âm u trực đổ mưa thì tôi cứ gọi là đứ đừ vì vừa phải vác bánh ra phơi, vừa phải trông bánh và nếu mưa thì phải chạy bánh vào nhà. Có những bữa gió to, vừa vào nhà ra là bánh đã bay tứ tung khắp đồng ruộng. Ngẫm lại phơi bánh cũng cực chứ không nhẹ nhàng gì.
Bánh tráng được đem phơi vào buổi sáng sớm


Bánh sau khi khô vừa đủ sẽ được đem vào nhà và xếp chống lên, để chừng thêm 30 phút để bánh khô hoàn toàn thì bắt đầu bóc bánh. và bóc bánh cũng lại là một cồng việc đòi hỏi sự khéo léo lẫn kiên trì. Nếu bạn chưa quen và nóng vội, khi bóc bánh sẽ rất dễ bị rách vì có nhiều chiếc bánh vẫn dính chặt vào giàng, đòi hỏi phải bóc nhẹ từng chút một. Và mỗi ngày ngồi bóc khoảng chừng gần 2000 cái bánh cũng hơi đau lưng một chút xíu nếu bạn nào có lưng hơi dài :).

Bánh được xếp cần thận
Bánh bóc xong sẽ được bố tôi xếp gọn lại, nếu bánh hơi khô cong thì sẽ được nén lại bằng những miếng ván dày để đảm bảo bánh được phẳng và khi cột bánh và đóng bánh vào bao trước khi vận chuyên đi dược gọn gàng và đỡ bị vỡ bánh hơn.
Nén bánh

Và sau 1 ngày, những chiếc bánh tráng được xếp và cột lại gọn gàng, đẹp đễ để sẵn sáng đến với khách hàng. Chỉ là 1 chiếc bánh tráng thôi nhưng phải trải qua biết bao nhiêu công đoạn và cực nhọc cũng có trong mỗi chiếc bánh ấy, vậy nên với những người làm bánh, mỗi chiếc bánh tráng đều rất đáng quý, chỉ bị rách 1 cái thôi là cũng tiếc lắm rồi. Và ngày nào cũng thế, bố mẹ tôi thức dậy từ 2- 3 giờ sáng và kết thúc việc làm bánh vào lúc 3-4 giờ chiều để cho ra đời những chiếc bánh tráng mỗi ngày.
Thành quả của 1 ngày 


Với tôi, mỗi chiếc bánh tráng cũng chính là một giọt mồ hôi mà bố mẹ tôi đã bỏ ra. Và tôi yêu chúng!

Bài đăng phổ biến