Lò nướng bánh tráng - người bạn đồng hành của rôi |
Để câu được cá, tất nhiên phải có cần câu. Cũng tương tự thế, để nướng được bánh tráng, chắc chắn phải có lò nướng, ai cũng đều biết rõ điều này. Vậy nên, tôi gọi cái lò nướng của mình là cái "cần câu cơm" của tôi ^^.
Mua lò
Tôi mua lò than trước khi về quê thuyết phục bố mẹ tôi cho tôi nướng bánh tráng, và nó giống như một sự quyết tâm lớn của tôi, giống như kiểu "đã lỡ rồi thì thôi cho tiến tới luôn đi" trong một số trường hợp "ăn kem trước cổng" vậy.
Mỗi lần mua một thứ gì đó lần đầu tiên, lúc nào ta cũng có một thái độ e dè khi đi mua hàng bởi không biết nhìn mặt mình "nai tơ" vậy liệu có bị "chém" hay không, hoặc là không biết đồ mình lựa có được chất lượng hay không,... Tôi cũng thế, vậy nên tôi lục lọi khắp trên mạng để tìm hiểu giá cả, chỗ mua; rồi ra chợ cũng đi hỏi dò trước. Mua lò đất nung thì đơn giản còn mua lò bằng nhôm inox thì hơi khó khăn hơn, và giá cũng cao hơn,
Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi quyết định chọn khu đường Sư Vạn Hạnh để hỏi trước, và lò đúng là tốt thật, nhưng giá lại quá khả năng của tôi. Không nản chí, tôi bắt xe bus ra chợ lớn để hỏi thử. Và cuối cùng tôi cũng kiếm được cái lò gọi là tạm ổn, phù hợp với nhu cầu hiện tại của tôi. Tôi hí hứng ôm nó về như ôm cục vàng. Tự thì thầm:"Lò ơi mày giúp tao với nhé!".
Chặng đường di chuyển hơn 700km
Cái lò này có lẽ là một trong số ít vật dụng mà tôi mua tại Sài Gòn này có được vinh dự theo tôi về quê. Đó là lần tôi về quê 3 ngày để học nướng bánh. Cái lò về cùng tôi để như một lời khẳng định với bố mẹ tôi về điều mà tôi đã nói trước đó, tức là tôi không chỉ nói mà dã bắt đầu làm rồi. Vừa ôm nó về tới nhà, bố tôi đã lôi ra xem và ngồi nhìn một lát bố nói: "cái này phải làm cái cửa lò ở dưới để lấy tro ra nữa", và ngay sáng hôm ấy, trong khi tôi phụ mẹ phơi bánh tráng, bố tôi hì hụi đem cưa, đục, máy cắt ra để "phẫu thuật thẩm mỹ " cho em nó.
Vào ngày thứ 3, tức ngày cuối cùng tôi ở quê, trước khi lên xe xuống lại Sài Gòn, buổi chiểu tôi quyết định lôi em nó ra để thử lửa và nướng bánh thử, cũng là để thực hành những gì tôi học được từ bác tôi 2 ngày vừa qua. Cả gia đình tôi quây quanh lò than để nhìn tôi nướng rồi góp ý, chỉ dẫn đẻ tôi sử dụng lò và nướng bánh tốt hơn. Một không gian thật sự ấm áp cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã được tao ra xung quanh chiếc lò ấy.
Buổi tối, trước khi tôi ra xe, mẹ đã cần thận chà rửa lò cho sạch sẽ trở lại, còn bố thì lấy thùng đóng nó lại cần thận cho tôi. Và nó theo tôi trở về Sài Gòn. Bắt đầu một thời kỳ gắn bó khăng khít với tôi vào mỗi buổi chiều tối.
Khó khăn ban đầu
Thật không hề dễ dàng gì để sử dụng chiếc lò than để nướng bánh tráng, bởi nướng bánh tráng không như nướng thịt, nếu không khéo sẽ rất dễ bị cháy hoặc bị sống bánh. Đó là điều mà tôi vẫn hay gặp phải, kể cả đến hiện tại sau khi đã nướng được hơn 2 tháng. Tuần đầu tiên không biết tôi đã nướng cháy bao nhiêu cái bánh, bị bao nhiêu khách hàng giục vì phải đợi bánh, và tất nhiên, những phản hồi về bánh chưa chín kĩ. Mỗi lần như vậy, tôi lại cố gắng tìm hiểu về khắc phục dần cách sử dụng lò than. Sau đó thì tình hình có phần được cải thiện hơn. Tôi dần biết cách điều khiển lửa trong lò sao cho bánh nướng vừa mau chín mà lại ít bị cháy xém. Nhờ vậy tốc độ nướng đượccải thiện phần nào và khách hàng cũng ít than phiền hơn, tôi cũng đỡ thấy áp lực mỗi lần ngồi nướng. Dần dà, tôi dã trở nên quá quen thuộc với cái lò nướng (và chắc nó cũng phát ngán khi thấy cái mặt tôi rồi ^^).
Người bạn đồng hành
Bắt đầu một ngày bán hàng, lò than luôn là cái mà tôi đem ra đầu tiên, vì để có lò nướng được bánh thì phải có thời gian để lò rực, sau đó là ủ than bằng tro bếp để giảm lửa và duy trì than cháy trong lò được lâu. Mọi thứ dọn xong hết mà lò than chưa được thì tôi cũng bó tay và đành phải nói khách hàng ngồi đợi, còn khi lò than đã xong xuôi đâu vào đấy, việc nướng với tôi dễ dàng hơn nhiều, chỉ cần dọn ra trước vài thứ cơ bản để nướng là xong, mấy thứ còn lại dọn sau cũng được. Vì thế với tôi, lò than luôn rất quan trọng. Vào những ngày lò than cháy ngon, tôi nướng bánh mà y chang như đi dạo, thoải mái vô cùng. Nhưng khi gặp ngày lò dở chứng, là coi như tôi cũng đến khổ sở với nó. Nên tôi luôn cố gắng chăm sóc nó để hi vọng nó sẽ không giở chứng nhiều.
Vào những lúc vắng khách, một thú vui tao nhã của tôi đó là dùng gắp than để nghịch than trong lò. Nó cho tôi cảm giác như trở về tuổi thơ khi ngồi trong căn bếp nhỏ của cụ tôi để nghịch lửa mỗi lần cụ tôi nấu cơm. Và nhiều lúc, những ý tưởng bất chợt đến với tôi trong lúc đang nghịch than như vậy. Giống như kiểu ta đang cùng một người bạn cùng bàn bạc về một vấn đề và đùng một cái, người bạn đó giúp tôi phát ra một ý tưởng vậy. (Nếu bạn đang bí ý tưởng, thử ghé quán để nghịch than với tôi xem sao, biết đâu lại nghĩ ra cái gì đó hay ho đấy ^^)
Lò than là thứ đầu tiên tôi đem ra và cũng là thứ cuối cùng tôi đem vào, bởi vì lúc nào tôi cũng phải để nó nguội mới dám đưa vào, không rất dễ xảy ra cháy. Thường thì than hồng lúc nào cũng còn nên tôi luôn phải nhờ đên nước để dập lửa, tiện thể tắm mát cho cái lò luôn, dù sao nó cũng chịu nóng cả buổi trời rồi. Mỗi lần bưng lò than vào chỗ để quen thuộc là coi như tôi đã hoàn tất một buổi bán, dù hôm đó đông khách hay vắng khách, thì đó vẫn là thời khắc tôi thấy thoải mái và dễ chịu vì mình sắp được nghỉ ngơi, và chiếc lò than cũng vậy.
Và cứ thế, mỗi ngày bán hàng, chiếc lò than như một người bạn thân thiết luôn ở bên tôi từ khi dọn hàng ra đển khi dẹp hàng vào, nên tự nhiên tôi có một tình cảm đặc biệt với nó, như thể nó là một con người chứ không phải chỉ đơn thuần là một đồ vật. Đúng là khi ta gắn bó với một thứ gì đó đủ lâu, thì tự nhiên thứ đó cũng trở nên như có linh hồn vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét