Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

NHỮNG KHÓ KHĂN ĐẦU TIÊN

Bánh Tráng Lạc Lâm - ngày vắng khách


Khó khăn

Khó khăn luôn gắn liền với những cái đầu tiên, thậm chí chỉ một việc đơn giản như luộc trứng thôi nhưng lần đầu tiên luộc chắc hẳn bạn sẽ phải đứng ngồi không yên và cứ đứng chăm chăm nhìn nồi luộc trứng một phút không rời chẳng hạn. Và với tiệm Bánh tráng Lạc Lâm, dự án kinh doanh, đứa con tinh thần đầu đời của tôi cũng đem đến cho tôi không ít khó khăn.
Ngày khai trương chính thức như thông báo là vào ngày thứ ba, và trời cũng rất thương tôi khi ban ngày trời trong xanh, nắng long lanh đến thiếu điều...chảy mỡ  (dù tôi chẳng có chút mỡ nào), ấy vậy mà đùng một cái, đến lúc tôi nhóm lò lên thì mưa ầm ầm như trút. Chẳng có dù hay bạt che, chỉ có mỗi hiên nhà nhỏ làm chỗ che mưa khiến cả tôi lẫn những khách hàng đầu tiên ghé quán phải cùng lui vào trong hiên nhà nhỏ ấy. Cũng may là mưa không quá kéo dài nên cuối cùng tôi vẫn có thể tiếp tục bê lò ra ngoài để nướng. 
Nói đến việc bê lò lại là cả một vấn đề nữa, chuyện là tôi vẫn chưa có thời gian để làm kệ kê lò nên đành phải sử dụng mấy hòn gạch kê lên. Mỗi lần bên lò là cả một quá trình gian khổ từ nhấc lò đến di chuyển mấy cục gạch, mà cả lò lẫn gạch đều nóng kinh khủng, có lần xém nữa tôi làm đổ nguyên lò than đang cháy đỏ.
Không chỉ có lò than, những ngày đầu, đồ đạc bán bánh của tôi chẳng có lấy 1 cái kệ để cho gọn gàng mà phải sử dụng mấy chiếc bàn xếp, mỗi lần dọn đồ ra hay cất đồ vào là nhọc công vô cùng, vì phòng tôi trọ ở tần 2, mỗi lần bê đồ gì ra là phải chạy lên chạy xuống cầu thang, lâu lâu quên có chai tương cũng phải chạy lên, lấy chai tương xong lại thấy quên chén tương và lại...chạy lên lần nữa. Một buổi chiều tối mà 2 anh em tôi có khi chạy lên chạy xuống cả hơn chục vòng cầu thang. Chả vậy mà mỗi lần dọn hàng xong, thằng nào cũng mệt thè lưỡi, chẳng còn sức đâu mà tắm rửa, tửa đồ. Tất cả đành phó mặc vào sáng mai, vì đuối quá rồi.
Nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề lớn nhất, cái mà khiến tôi nhiều phen lao đao đó là khoản canh lửa lò để nướng bánh. Do chưa có kinh nghiệm nên những ngày đầu, lò than lúc thì cháy một cách hờ hững, chẳng buồn ngó ngàng đến mấy em bánh tráng bên trên làm mấy em í mãi chẳng chín được. Nhưng có lúc mấy anh chàng than lại quấn quít mấy cô bánh tráng thái quá làm mấy cô í cháy đen thui một mảng. Có những bữa mà bánh nướng hư thu được cả một bịch đầy. Thấy mà nản. Lò than vậy nên nhiều lúc khách đến phải đợi cả một lúc lâu mới được một cái bánh, mà có khi bánh lại cháy làm khách ăn mất cả ngon. Thấy mà đau lòng! Cũng may những ngày đầu chủ yếu bạn bè quen biết nên ai cũng tỏ vẻ thông cảm và động viên tinh thần để chiến sĩ không buông súng.
Quay trở lại vấn đề thời tiết, những ngày đầu khai trương là những ngày mà hầu như chiều nào trời cũng mưa, và quán nhỏ của tôi thì chẳng có lấy một mảnh dù hay bạt che, vì vướng ngay văn phòng luật sự làm việc, và cũng vì tôi chưa có vốn để đầu tư. Vì thế mỗi lần thấy trời mưa là tôi ngán ngẩm lắm, không phải mưa không có khách, mà vì mưa không có đủ chỗ cho khách ngồi. Còn nhớ có một bữa khách thì cả gần 20 người ngồi chen chúc trong không gian chật hẹp của cái hiên nhà mà tôi thấy áy náy vô cùng.
Ngoài những khó khăn to bự kể trên, tôi còn gặp phải vô số những khó khăn khác, ví dụ như con dao cắt hành được vài bữa là lụt, giá một số nguyên liệu mua tại Sài Gòn thì chỉ có lên mà không có xuống, bánh tráng gửi từ quê xuống toàn bị bể, căn phòng trọ của tôi đồ chất ngày một nhiều mà thằng bạn cùng phòng lại chuẩn bị từ quê vào lại, ... nói chung là kể ra thì không biết khi nào mới hết. Chỉ chốt lại một câu đơn giản là: Nghĩ thì dễ, làm rồi mới thấy khó.

Vượt qua khó khăn

Khó thì phải tìm cách vượt qua, nhưng không phải nói vượt là vượt được liền, bởi tôi suy cho cùng cũng chỉ có một mình xoay sở là chính, vì vậy tôi sử dụng chiến lược "Chia để trị", tức là chia nhỏ những vấn đề ra để giải quyết theo kiểu từng phần, từ từ một chứ không ôm đồm nhiều thứ một lúc.
Đầu tiên là đối phó với trời mưa, chưa có tiền mua dù, tôi liền nghĩ ngay đến việc mượn mấy cây dù của cô hàng nước đối diện (vì cô chỉ bán ban ngày). Để có thể mở lời được tôi phải uống nha đam đường phèn ở quán cô đến cả mấy ngày liền, rồi cuối cùng cơ hội cũng đến khi cô hỏi tôi chiều bán cái gì. Nhờ cái câu hỏi ấy mà tôi mở lời được, vừa hỏi mượn là cô cho mượn ngay. Tôi mừng như mở cờ trong lòng. Cũng nhờ hai cái dù ấy mà tôi cũng chống chọi qua gần 2 tuần lễ với tiết trời toàn mưa (mặc dù nhiều khi cũng lao đao với 2 cây dù này ^^)
Xong được phần che mưa tạm thời, tôi tiếp tục tính đến việc cải tiến chỗ nướng sao cho dễ di chuyển. Đầu tiên là phải làm chân kê lò. Dành dụm mấy buổi đầu bán bánh cũng được một số tiền, tôi sử dụng nó để mua thép về làm chân lò, tiện thể mua luôn một cây tip dài cũng một miếng bạt lớn để làm bạt che (vì dù sao 2 cái dù cũng chỉ che được mỗi tôi và cái lò mà thôi). Còn nhớ bữa đi mua đồ làm là một buổi trưa chủ nhật trời mưa tầm tã, 2 anh em tôi đi mua đồ, về ráp đến gần 8 giờ tối mới xong.
Vấn đề tiếp theo, vô cùng quan trọng, đó là điều chỉnh lửa lò sao cho nướng bánh không bị cháy hoặc bị sống. Tôi phải gọi điện về quê cầu cứu bác tôi, kết hợp với kinh nghiệm mấy ngày nướng để cuối cùng có cách chỉnh lửa lò cháy êm hơn, nhờ vậy mà tốc độ nướng được cải thiện phần nào và bánh cũng ít bị cháy hơn.
Để tiện cho việc dọn hàng ra vào, tôi đã quyết định thuê luôn thêm một căn phòng trong khu trọ ở tâng trệt ngay gần cửa ra vào sau 1 tuần đầu tiên bán bánh. Nói thực là cũng chẳng biết có thể gánh được khoản tiền trọ gần 3 triệu đồng mỗi tháng hay không, nhưng tôi vẫn cứ liều mạng thuê, đến cả bác chủ nhà cũng phải lo giùm tôi, mặc dù căn phòng ấy cũng lâu rồi chưa có ai thuê. Nhờ đó mà thay vì mất cả hơn tiếng đồng hồ mỗi lần dọn hàng ra vô như trước đó, chúng tôi chỉ mất khoảng nửa tiếng (và sau này khi làm thêm mấy cái kệ để đồ thì mỗi lần dọn hàng chỉ mất chừng 10 phút). Vậy là vừa nhanh, vừa tiện lại vừa đỡ mất sức chạy lên chạy xuống, và tôi cũng không phải lo ngủ ngoài hành lang nữa khi bạn tôi vào thành phố.
Rút ngắn được thời gian dọn hàng, tôi tiếp tục suy nghĩ làm sao để rút được thời gian chuẩn bị nhân hành. Sau vài bữa thử nghiệm cách chế biến mới khác với cách mà bác tôi dạy tôi, thì cuối cùng tôi cũng rút ngắn được thời gian chuẩn bị nhân hành xuống còn một nửa so với trước. Ngoài ra tôi cũng sắm cho mình một cái mài dao (mà giá của nó còn mắc hơn con dao) để tăng hiệu suất thái hành. Nếu như những ngày đầu, tôi phải chuẩn bị từ 1 giờ chiều thì nay, 3 giờ rưỡi chiều tôi chuẩn bị vẫn kịp như thường. Và chuyện chuẩn bị hàng với tôi trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Đến đây chắc các bạn sẽ nghĩ việc bán bánh sẽ trở nên dễ dàng hơn với tôi đúng không? Đúng là dễ dàng ở mặt này, nhưng lại xuất hiện những khó khăn mới.

Khó khăn đẻ khó khăn

Bán được khoảng hơn 2 tuần với lượng khách khá ổn định mỗi chiều tối, thì đến gần tuần thứ 3, lượng khách bắt đầu giảm một cách rõ rệt. Và lúc này tôi mới hận ra một sự thật là: bạn bè, người quen thì cũng chỉ có thể ủng hộ được mình thời gian đầu, còn muốn sống được, phải tìm kiếm những khách hàng là người lạ. 
Đúng là tôi có quen biết khá nhiều người trong trường nơi tôi học, nhưng nhiều không phải là vô hạn, chưa kể là những người tôi quen biết lại đang trong thời gian tất bất với nào là thi cử, nào là chuẩn bị đi mùa hè xanh, nào là chuyển nhà (vì năm học sau chuyển học ở Quận 7), nào là về quê,... Mà từ bữa khai trương đến giờ cũng chỉ có bạn bè biết đến quán bánh tráng nướng của tôi, nên khi họ bận, thì quán cóc của tôi bắt dầu ế ẩm. Có những buổi tối trời đẹp lắm, trăng sáng thật sáng, gió thổi mát rượi, nhưng chẳng có ai ghé quán. Liên tiếp mấy ngày như vậy khiến tôi thấy thực sự nản và chỉ muốn dừng lại.
Nhưng cũng may, tôi vẫn tiếp tục. Bốn năm học đại học về ngành Marketing cũng dạy tôi biết rằng: khi hoạt động kinh doanh kém hiệu quả thì không được co cụm để tránh thua lỗ mà phải tăng cường các hoạt động marketing để thu hút khách hàng đến với mình nhiều hơn. Và tôi lại tiếp tục đầu tư cho quán nhỏ của tôi.
Trước hết là cái bảng hiệu. Từ bữa khai trương, bảng hiệu của quán tôi chỉ là một cái nong đan dán chữ đề-can, sáng sáng còn thấy chữ chứ đến tối là chịu. Nhờ đứa bạn thiết kế giúp cả tuần trời nhưng cuối cùng nó lại bận chạy dự án, nên cuối cùng tôi lại phải tự ngồi vận dụng hết những hiểu biết nửa vời của mình về photoshop để tự thiết kế và đi in. Sau đó là tận dụng cái khung cửa cũ mà tôi nhặt được ngoài đường để làm cái khung. Và sau 2 ngày thì bảng hiệu nho nhỏ của Bánh Tráng Lạc Lâm cũng đã được hoàn thành. Tất nhiên là không được chuẩn cho lắm nhưng đó là hết khả năng của tôi rồi. Cũng nhờ cái bảng hiệu nhỏ nhỏ ấy mà có thêm những khách hàng mới ghé thăm quán của tôi mỗi tối, và 10 người đi ngang thì cũng có đến 7-8 người nhìn vào cái bảng hiệu ấy. Lúc này tôi mới phát hiện ra một sự thật phũ phàng là bữa giờ, nhiều người vẫn cứ nghĩ tôi bán khô mực nướng hay thậm chí có những người chiều nào cũng đi ngang qua mà chẳng biết tôi bán cái gì. Đúng là tôi đã quá chủ quan khi nghĩ rằng quán cóc thì chẳng cần bảng hiệu chi cho tốn kém! Cảm ơn một người chị đã khuyên tôi nên làm thêm cái bảng hiệu cho mọi người thấy để còn biết. Học Marketing mà cuối cùng tôi lại bỏ qua điều căn bản nhất của Marketing, đúng thật đáng trách.
Làm xong cái bảng hiệu, tôi bắt đầu có thêm những khách hàng mới là những người tôi không biết trước đó, và tôi tiếp tục nghĩ cách để hoàn thiện quán mình hơn. Nghe khách hàng nói nên thêm nhiều loại nước hơn, tôi liền nghĩ ngay dến món siro đá bào mà hồi nhỏ ở quê tôi vẫn hay ăn. Nghĩ là làm, tôi liền lên mạng tìm mua máy xay dá bào vì nghĩ nó sẽ trở thành món đặc trưng của quán, chắc chắn sẽ bán được, phải mua máy mới kịp để bán. Và tôi mua một chiếc máy xay đá bào với một niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của món si rô đá bào. Nhưng đời chẳng bao giờ như mình mơ cả. Một tuần đầu tiên tôi chỉ đem máy ra đúng được 2 ngày. Lý do thì rất đơn giản: nguyên liệu không phù hợp với đá bào. Trước đó tôi chủ yếu bán nước siro từ nước cốt, nên khi kết hợp với đá bào, đá tan ra rất nhanh, dù có đổ rất nhiều nước cốt nhưng chỉ một lát sau đá tan là nước lại lạt nhách. Vừa tốn nguyên vật liệu lại vừa bị khách chê. Sau đó tôi cũng đi kiếm các loại si rô khác để thay thế, nhưng loại thì không đảm bảo chất lượng, loại thì giá quá mắc. Cuối cùng tôi đành để chiếc máy đá bào ấy nằm một góc và sau đó 1 tháng, tôi quyết định bán rẻ nó lại cho người khác. Coi như một vụ đầu tư thua lỗ, nhưng cũng cho tôi một bài học về hậu quả của cách nhìn vấn dề quá chủ quan của bản thân tôi.
Từ vụ máy xay đá bào ấy, tôi quyết định chỉ chú tâm vào việc hoàn thiện và tạo thêm ra các loại bánh mới, bởi tiệm của tôi là bán bánh tráng nướng là chủ yế còn nước uống chỉ là phụ mà thôi. Nhờ vậy tôi không còn phải suốt ngày suy nghĩ món nước mới, thay vì đó tôi đã tạo ra thêm được 2 loại bánh mới và cũng cải tiến những chiếc bánh của mình hơn 1 chút. Mỗi lần có khách khen bánh hôm nay ngon hơn hôm trước là lại cảm thấy vô cùng sung sướng. Bên cạnh đó tôi cũng học thêm 1 khóa học pha chế và đưa thêm vào danh sách nước uống một vài món đơn giản dễ làm.Đúng là khi mới khởi đầu, cần biết dồn lực để phát triển trọng tâm trước rồi mới tính đến việc mở rộng, nếu không thì chẳng có cái nào đạt hiệu quả tốt cả. 

Cũng mừng là sau hơn một tháng mở quán, quán của tôi vẫn còn tồn tại. Mặc dù có lúc này lúc khác, khó khăn thì luôn tồn tại, nhưng càng ngày, tôi lại càng trưởng thành hơn. Tôi không còn thấy bi quan, chán nản mỗi khi quán vắng khách, thi thoảng tôi còn mong quán vắng để tôi có thời gian thử nghiệm món mới nữa là đằng khác. Tôi cũng chẳng lấy làm buồn phiền khi có người tới "mắng vốn", thậm chí có người chê bánh tôi nướng một cách thẳng thừng ngay trước mặt cũng không khiến tôi cảm thấy bị tự ái, mà ngược lại còn trở thành động lực để tôi tiếp tục cố gắng hơn. Biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, người ấy quay trở lại, ăn bánh của tôi và lại khen bánh ngon thì sao? 

Luôn giữ một thái độ sống tích cực thì ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, ta vẫn thấy có những điều tốt đẹp hiện hữu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến