Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

BÁNH TRÁNG LẠC LÂM -VÌ TÔI ĐÃ TRÓT YÊU

Bánh tráng Lạc Lâm - tình yêu của tôi
Đã bao giờ bạn yêu một ai đó hay một điều gì đó chưa?
Và khi yêu, cảm giác bạn thế nào?

Hai câu hỏi ấy, dễ mà khó trả lời. Không phải bạn không biết trả lời như thế nào, mà bởi có những khi, có quá nhiều thứ bạn muốn diễn đạt nhưng không thể diễn đạt nó ra một cách trọn vẹn, và cũng có những khi, bạn chẳng biết phải nỏi ra điều gì bởi hiểu thì hiểu nhưng không biết làm sao để nói ra thành lời.

Tôi đã yêu nhiều người, nhưng hôm nay tôi không viết về những tình yêu ấy, mà tôi muốn viết về tình yêu của tôi dành cho những chiếc bánh tráng quê tôi, bánh tráng Lạc Lâm..

Tình yêu, muốn hình thành nên cần phải có một thời gian, đôi lúc thì ngắn nhưng đôi khi lại cần thời gian rất dài. Và bản thân tôi, phải mất hơn 20 năm, mới nhận ra rằng, tôi đã trót yêu những chiếc bánh tráng quê mình.

Từ những ngày còn rất nhỏ, tôi đã quen với mùi bánh tráng từ cái lò tráng làm bằng đất nung của mẹ tôi. khi ấy tôi rất thích được ăn những chiếc bánh mẹ tôi tráng bị rách để ở góc lò.Nhiệt độ cao của lò đã làm chúng từ những chiếc bánh dẻo (giống bánh cuốn) trở thành những miếng bánh giòn tan có vị hơi mằn mặn. Mẹ biết tôi thích ăn nên lúc nào cũng để một vài cái để sẵn đấy. Và sở thích ấy vẫn theo tôi đến tận bây giờ mỗi lần về quê. 

Hồi còn bé, khi ấy bà ngoại tôi còn khỏe, sáng nào bà cũng quẩy quang gánh với 2 cái thúng đựng đầy bánh cuốn ra chợ bán. Tôi cũng rất thích ăn bánh cuốn của bà tôi, và nhiều người ở quê tôi cũng vậy. Những chiếc bánh cuốn được tráng như những chiếc bánh tráng của mẹ tôi nhưng được cuộn lại chứ không phải trải ra và đem phơi khô, và quê tôi gọi nó là "bánh dẻo". Những chiếc bánh dẻo của ngoại tôi thấy khác hẳn với những tiệm bánh dẻo khác, bánh ăn vừa mềm vừa thơm mùi gạo mà lại không thấy ngấy, chưa kể hành phi và nước mắm ngoại tôi làm cũng rất ngon, kết hợp lại trở thành một món ăn sáng hấp dẫn khó có thể chối từ. Và sau này, khi ngoại tôi nghỉ bán vì lý do sức khỏe, tôi rất hiếm khi nào ăn bánh cuốn nữa, vì với tôi, bánh cuốn ngoại làm vẫn là ngon nhất.

Vào đại học, khi mảnh đất nhỏ của gia đình không thể đủ để vùa lo cho tôi ăn học ở Sài Gòn, vừa lo cho mấy đứa em tôi học hành ở quê, nên mẹ tôi quyết định quay trở lại nghề tráng bánh (trước đó mẹ tôi đã nghỉ tráng hơn chục năm) để có đồng ra đồng vô hàng ngày. Nói thẳng ra chính những chiếc bánh tráng của mẹ tôi đã nuôi tôi trong suốt 4 năm đại học. Mỗi ngày bố mẹ tôi vẫn đều đặn dậy từ 2 giờ sáng để tráng bánh và tối nào cũng ngủ từ rất sớm. Những chiếc bánh tráng bán ra cũng là những giọt mồ hôi và những ngày thiếu ngủ của bố mẹ tôi, chỉ vì lo cho con cái ăn học cho bằng bạn bằng bè.

Ngày trước, mỗi khi tết, mẹ thường chuẩn bị những xấp bánh tráng để cho tôi đi biếu mọi người. Khi ấy tôi thường mặt nặng mặt nhẹ, phụng phịu vì tại sao người ta thì tặng nước ngọt, bia, bánh kẹo các loại, thấy sang lắm, còn nhà mình lúc nào cũng có vài xấp bánh tráng quê mùa thế này. Mẹ tôi thế là cũng phải mua thêm ít đồ nữa để cho tôi đi. Nhưng bây giờ, mỗi khi tết về, tôi lúc nào cũng thích đi biếu tặng mọi người những xấp bánh tráng, đôi khi bánh tráng còn không có đẻ mà đi biếu nữa, bởi người ta dặt nhiều quá mẹ tôi tráng không xuể. :Lúc này tôi mới nhận ra giá trị thực sự của những chiếc bánh tráng của mẹ. Tôi hiểu tằng những thứ quà tết mua ở bên ngoài, tuy là đẹp đấy, sang trọng đấy, nhưng cũng chỉ là cái nhìn mà thôi, làm sao sánh bằng những chiếc bánh do tự tay mình làm nên với cả tấm lòng.

Bây giờ, tôi lại tiếp tục gắn cuộc đời mình với những chiếc bánh tráng của mẹ tôi. Mới đầu tôi cũng chỉ nghĩ làm để trải nghiệm thôi, nhưng khi càng tiếp xúc nhiều, tự nhiên tôi lại càng thấy yêu những chiếc bánh tráng của mẹ, của dì tôi nhiều hơn. Với tôi, bánh tráng hiện tại không chỉ dơn thuần là phương tiện để tôi kiếm sống, mà nó đã trở thành một điều ý nghĩa với bản thân tôi. Thông qua những chiếc bánh tráng, tôi được trò chuyện, kết bạn với những người bạn cả mới lẫn cũ, tôi được áp dụng những thứ tôi học cũng nhờ những chiếc bánh tráng ấy.Hơn tất cả, những chiếc bánh quê tôi đã đem đến cho tôi những niềm vui, niềm vui khi được nhìn thấy những khách hàng của mình cảm thấy thích thú khi ăn những chiếc bánh có vị lạ miệng như vậy, niềm vui kh được nhìn thấy những đồng hương của tôi được thưởng thức món ăn quê hương giữa đất Sài Gòn này. Và tôi cảm thấy trân trọng từng chiếc bánh quê tôi. 

Khi ta gặp được một người mà ta yêu, ta muốn được sống với người ấy trọn cuộc đời này. Và tôi cũng mong muốn đượcgắn bó cuộc đời tôi với những chiếc bánh tráng quê tôi, đến hơi thở cuối cùng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến