Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

BÁNH TRÁNG LẠC LÂM - NHỮNG CHIẾC BÁNH TO


Nếu bạn chưa từng thưởng thức bánh tráng nướng ở Lạc Lâm quê tôi bao giờ, thì lần đầu khi ghé quán tôi, nhìn thấy những chiếc bánh chắc hẳn bạn sẽ xuất hiện một suy nghĩ trong đầu: Bánh nướng gì mà to quá vậy?  Và đó chính là một nét đặc biệt rất riêng của bánh nướng quê tôi.

Thực ra ở quê tôi, người ta gọi là bánh đa nướng, nhưng khi xuống tới đất Sài Gòn này, từ "bánh đa" có vẻ ít thông dụng, nên tôi đổi thành bánh tráng. Tất nhiên vẫn có những khách hàng là người gốc Bắc khi thấy chiếc bánh của tôi thì liền nhận định: "Đây là bánh đa chứ bánh tráng gì mà to vậy." Ừ thì đúng là bánh đa thật mà :)

Vì đặc tính to và dày hơn nhiều so với những loại bánh tráng nướng khác, nên khi nướng bánh cũng tốn nhiều thời gian hơn, chưa kể nếu lò than chưa rực lửa, thì thời gian để nướng được 1 chiếc bánh là vô chừng. Nhiều khi khiến khách hàng phải đợi khá lâu. Nhưng hiện tại thì tôi đã cải thiện được phần nào vấn đề này, và chiếc bánh quê tôi cũng trở nên dễ thương hơn rất nhiều trong mắt tôi :)

Có nhiều khách hàng lần đầu ghé quán tôi, nhìn thực đơn thấy cũng ít món, liền kêu mỗi loại một cái. Nhưng thường thì chia bình quân ra, mỗi người ghé quán ăn dược khoảng 3 cái là hết sức vì no quá. Bởi chiếc bánh nướng của quê tôi vừa to, mà nguyên liệu chính làm ra chúng lại là gạo, vậy nên nếu bạn chưa ăn quen, chắc chắn sẽ ăn được khá ít.  Chẳng vậy mà tôi vẫn luôn đùa rằng:"Ai mà ăn được từ cái thứ 5 trở đi thì tôi sẽ chỉ tính tiền 4 cái mà thôi", nhưng mới chỉ có một khách hàng ăn được đến cái thứ 5 ở quán tôi ;).

Nói chung, bánh nướng quê tôi không phải để ăn một mình. Khi 2-3 người cùng ngồi ăn chung 1 chiếc bánh tráng nướng Lạc Lâm, bạn sẽ cảm thấy ngon hơn la khi ngồi ăn 1 mình. Hồi còn ở quê, mỗi lần đi ăn cùng mấy đứa bạn, cảm giác luôn rất vui vì đứa nào cũng canh me để giành ăn của nhau. Do bánh nướng lâu nên lúc nào cũng phải đợi  mới có bánh, mà thời gian tiêu thụ một cái bánh nhiều lúc chỉ tính bằng giây, nên đứa nào nhanh tay thì ăn được nhiều, chậm tay hay ngại gì đó thì ngồi ngó ráng chịu. Giờ nghĩ lại cũng thật là vui. Nếu chiếc bánh quê tôi nhỏ như bình thường, mỗi người 1 cái cầm ăn thì chắc sẽ không có những kỷ niệm vui như vậy.

Có người cũng khuyên tôi nên nướng chiếc bánh nhỏ để vừa nhanh mà người ta ăn cũng được nhiều hơn. Thật ra thì tôi cũng có đặt mẹ tôi tráng một ít bánh nhỏ, nhưng ít khi nào tôi đụng đến, vì đơn giản, tôi muốn giữ nguyên vẹn chiếc bánh quê tôi, từ hương vị dến hình dáng. Tất nhiên tôi vẫn phải tiếp tục tìm kiếm thêm những hương vị mới để hợp khẩu vị với người dân ở Sài Gòn này, nhưng chiếc bánh đã là một nét đặc trưng rất riêng của quê tôi, tôi muốn giữ nó nguyên vẹn. Tôi tin một lúc nào đó, khách hàng sẽ dần quen thuộc và yêu mến những chiếc bánh quê tôi hơn.

Và tôi cảm thấy rất hạnh phúc mỗi lần có khách hàng là người quê tôi ghé quán và nói rằng:"Lâu lắm rồi mới lại được ăn món bánh tráng của quê mình, vị y chang như ở Lạc Lâm làm vậy!"

Mỗi vùng đất lại có một nét đặc biệt riêng, và tôi mong muốn giữ được nét đặc biệt ấy trên mảnh đất quê người!

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

BÁNH TRÁNG LẠC LÂM - KHI TA MỞ LÒNG

Luôn mở lòng mình ra- bắt đầu bằng nụ cười 

Trước đây, khi chưa bắt đầu bán bánh tráng, tôi rất ngại khi phải bắt chuyện với một ai đó mà mình chưa quen biết. Chỉ khi nào rơi vào tình thế ép buộc lắm thì tôi mới "muốn mặt" mở lời trước mà thôi. Điều này có lẽ bắt nguồn từ tuổi thơ của tôi chỉ quẩn quanh ở nhà và ở nhà nội, ít giao tiếp với người lạ.

Nhưng cái nỗi sợ ấy đã dần được xóa bỏ khi tôi trở thành người bán bánh tráng nướng. Mỗi ngày tôi đều được gặp thêm những khách hàng mới, và mở lời trước là điều tât nhiên phải làm, vì nếu không làm thì tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình là phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Thế là, lúc đầu chỉ là những cầu chào đơn giản, như "Chào anh/chị, mời anh chị ăn thử bánh ạ" rồi đần chuyển qua "nhiều chuyện" hơn, bắt đầu bằng những cầu chào, rồi hỏi thăm đủ chuyện trong khi khách chờ nướng bánh. Bánh quán tôi vừa to vừa dày nên nướng cũng lâu hơn những chỗ khác, nhờ vậy mà tôi cũng có thời gian nói chuyện với khách hàng nhiều hơn. Vui nhất là khi có những khách hàng nói chuyện với mình rất cởi mở, mặc dù cũng phải đợi nướng bánh khá lâu nhưng họ lại chẳng tỏ vẻ khó chịu, ngược lại còn cười nói rất vui vẻ với tôi. Tự nhiên cảm thấy hạnh phúc vô bờ bến.

Đó là những người khách tôi chưa quen, còn với những khách hàng quen biết, đa phần là những người bạn của tôi, thì những câu chuyện của chúng tôi nhiều lúc kéo dài vô tận, cứ như quán bánh tráng của tôi là quán "buôn chuyện" vậy. Mỗi lần có khách quen ghé quán mà vắng khách, lúc nào tôi cùng lê la qua để nói chuyện sau khi nướng bánh xong. Những câu chuyện thường không có một chủ đề nhất định nhưng luôn đầy thú vị. Qua những câu chuyện ấy, tôi biết được thêm nhiều thông tin về khách hàng của mình đồng thời cũng được chia sẻ những suy nghĩ, những câu chuyện của bản thân tôi với họ.

Mỗi ngày, tiệm bánh của tôi đều có những vị khách ghé thăm, và mong ước của tôi là được làm quen, nói chuyện với tất cả họ, không phân biệt là quen hay lạ. Bởi tôi không chỉ bán bánh tráng nướng, mà tôi còn bán sự phục vụ của bản thân mình. Tôi tin một điều rằng, khi ta mở lòng ra và phục vụ người khác bằng tất cả những gì mình có, người khác sẽ cảm nhận được nó và biết đâu, nhờ điều đó mà họ ăn bánh cảm thấy ngon miệng hơn thì sao? :)

Hãy luôn mở rộng lòng mình ra với mọi người, và mọi người cũng sẽ mở lòng ra với bạn!

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

BÁNH TRÁNG LẠC LÂM - BUỔI TỐI THỨ BA

Bây giờ là 7 giờ kém 5 tối, tại tiệm bánh tráng nhỏ, tôi đang ngồi một mình bên lò than rực đỏ và chiếc radio nhỏ. Con đường Phú Hòa phía trước mặt tôi khá vắng vẻ, có cảm giác như tôi đang ở quê tôi chứ không phải ở Sài Gòn nữa. Trời tối nay không gợn bóng mây, gió mát thổi qua từng chập. Thi thoảng bầu không khí im ắng bị phá vỡ bởi những tiếng cười đùa của mấy đứa trẻ đạp xe ngang qua hay tiếng xe máy phóng vụt qua. Mỗi lần như thế tôi lại đưa mắt nhìn theo và mỉm cười tự nhủ: "Ừ thì vẫn có người đi ngang qua đấy thôi!"

Từ lúc dọn hàng ra tới giờ, mới chỉ có 2 lượt khách ghé quán, trong đó có người bạn thân của tôi ở quê xuống có việc, tiện đường ghé qua. Lâu rồi 2 thằng không gặp nhau, nhưng vẫn thân thiết như ngày nào, vẫn ngồi nói chuyện vui vẻ, thoải mái như hồi còn là 2 thằng học sinh cấp 3. Cảm thấy thật hạnh phúc khi có những người bạn như vậy.

Lúc này, chiếc radio đang phát một ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng mang một chút gì đó buồn buồn. Tôi tự nhiên cảm thấy trong lòng dâng trào lên một làn sóng cảm xúc khó gọi tên, chỉ biết là tôi muốn viết một cái gì đó, dù chẳng biết cái gì đó là cái gì, nhưng tôi vẫn đứng dậy, đi vào phòng lấy cuốn số tay và cây bút ra, bắt đầu đặt bút xuống viết.

Viết được vài dòng, tôi phải dừng lại vì có khách ghé quán. Đó là một người bạn quen của tôi. Cất cuốn sổ vào chiếc túi phía trước cái tạp dề, tôi bắt đầu nướng bánh và nói chuyện cùng người bạn mới tới. Thêm 20 phút nữa, thêm những người khách mới, và đó đều là những người quê tôi, quả thật là một buổi tối thú vị. Được gặp những người đồng hương nơi đất Sài Gòn này là một niềm vui lớn lao. Được nghe một chị khách hàng nói:"Ăn bánh quê mình quen rồi, ăn bánh nướng ở Sài Gòn này thấy không ngon bằng". Tự nhiên cảm thấy vui vì đã đem được một nét quê xuống đất Sài Gòn dành cho những người con xa quê. Và tôi cũng rất cảm kích vì có những người ở rất xa nhưng cũng đã bỏ thời gian để ghé qua quán tôi chỉ để ăn những chiếc bánh nướng mang đúng hương vị Lạc Lâm. Đó là một động lực to lớn để tôi tiếp tục duy trì tiệm bánh nhỏ của mình.

Tối nay tôi cũng thử nghiệm thêm được 2 món bánh nướng mới để bổ sung vào thực đơn trong thời gian tới. Nhờ một vài khách hàng nếm thử, thấy phản hồi cũng tốt, vậy là quán tôi chuẩn bị có thêm món mới, và menu mới làm chắc cũng sắp phải đổi thêm lần nữa ;)

Hàng hết sớm, có một vài khách ghé qua sau nhưng tôi đành phải xin lỗi vì không phục vụ được. Lúc ấy vẫn còn 2 người bạn học sau tôi 1 khóa trong trường đại học ngồi nói chuyện cùng tôi về việc học tập. Câu chuyện cứ kéo dài kéo dài tưởng như không có hồi kết, vui lắm khi được gặp những người em trong trường, vì nhờ họ mà tôi biết thêm được tình hình trong trường, và cũng được sống lại phần nào cuộc sống của một sinh viên thông qua những chia sẻ của họ.

Và buổi tối thứ ba kết thúc, tôi cảm thấy thực sự thoải mái. Cũng cần nhắc đến là em trai và bạn gái tôi hôm nay đã dọn hàng xong hết giúp tôi khi tôi ngồi nói chuyện cùng 2 người bạn. Vậy là tối thứ ba tôi được nghỉ sớm.

Tạ ơn Chúa vì đã ban cho tôi một buổi tối an lành như vậy!

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

BÁNH TRÁNG LẠC LÂM - ĐI CHỢ

Để chuẩn bị cho mỗi buổi bán hàng buổi chiều, bắt đầu từ 17 giờ, mỗi sáng tôi đều dậy sớm để xách chiếc giỏ xanh xanh đi chợ. Nếu trước đây, đi chợ chỉ là mua bó rau, con cá hay đồng thịt, thì nay trong danh sách những thứ phải mua của tôi xuất hiện thêm những cái tên mới được liệt vào dạng: Không mua không được. Và riết rồi mấy cô mấy chị bán hàng mỗi lần gặp tôi từ xa tiến tới đều lấy sẵn đồ ra chuẩn bị, tôi chưa kịp cất lời là họ đã nhanh miệng hỏi trước:"Như cũ hả em?", tôi chỉ cần gật đầu trả tiền là xong ;)

Những gian hàng mà tôi thường ghé nhất là quấy bán rau củ mà ngày nào tôi cũng bắt buộc phải ghé để mua hành lá. Chị chủ rất dễ thương, xem chừng chị cũng chừng hơn 30 một chút, tôi thích mua hàng ở quầy của chị bởi chị có nét gì đó rất giống cô của tôi ở quê. Từ lúc mở quán, ngày nào tôi cũng ghé qua quầy chị để mua hành, có hôm bận ra trễ thì đã thấy chị chuẩn bị sẵn hành cho tôi, còn hỏi:"Sao cưng hôm nay ra trễ vậy? Chị tưởng hôm nay nghỉ bán chứ! Để sẵn hành cho cưng rồi đây". Có mấy bận tôi đãng trí thế nào để quên luôn bịch hành ở chỗ chị, về tới nhà cũng chẳng kiêm tra lại, đến lúc chuẩn bị làm hàng thì mới tá hỏa vì không thấy hành đâu, trong khi nhớ rõ ràng là sáng có mua. Sau đó tôi lại phải tiu nghỉu ra chợ tìm mua, ai ngờ tôi lại để quên ở quầy của chị, thấy tôi là chị cười liền:"Lần sau mà bỏ quên lại là chị không có trả lại đâu nhé!". Tôi chỉ biết cười xòa. Chị dễ thương vậy thì làm sao tôi mua hành chỗ khác cho được ^^

Ngoài hành lá, trứng là một nguyên liệu cũng không thể thiếu, vì khách hàng đa số đều thích có trứng vào trong bánh nướng, do đó hầu như ngày nào tôi cũng phải mua trứng (chỉ trừ trường hợp trứng mua bữa trước vẫn còn nhiều). Tôi lựa chọn mua trứng của một cô mà tôi thấy lúc nào cũng đông khách mua. Cô ngồi ở một góc nhỏ thôi nhưng mỗi lần ghé mua trứng, đa số tôi đều phải đợi vì có rất nhiều khách hàng ghé mua. Hỏi ra mới biết cô bán trứng ở đây cũng đã mười mấy năm rồi, do đó khách quen rất đông. Giá cả ở đây cũng rẻ hơn những chỗ khác, chưa kể là khi tôi mua nhiều cô còn bớt cho thêm nữa. Còn gì thích hơn là tìm mua được đồ mình muốn ở một nơi có giá rẻ hơn những nơi khác cơ chứ, dù rằng cũng rẻ hơn có 1-2 đồng thôi, nhưng cũng vẫn rất là vui ^^. Và có một điểm rất hay ở cô là tiền bạc luôn luôn sòng phẳng, không thêm cũng không bớt dù chỉ là 500 đồng. Như tôi dù là khách hàng thân thiết nhưng nhiều lúc giá có 500 dư ra, cô vẫn lấy đủ. Điều đó cho thấy cô trân trọng từng đồng đến thế nào.

Tôi cũng hay ghé quán bán thịt ở ngay đầu chợ. Có 2 cô cùng bán, thấy tôi ghé lại là mấy cô tự động lấy túi bỏ thịt xay vào luôn cho tôi, tôi đúng nghĩa chỉ việc gật đầu và đưa tiền là xong. Và có một điều tôi rất ấn tưởng và cũng đã chôm chỉa để áp dụng vào quán bánh tráng nướng của mình, đó là luôn cười với khách hàng và cảm ơn khách hàng mỗi khi khách mua hàng xong. Trong chợ có rất nhiều gian hàng bán thịt, nhưng những chỗ khác mấy người bán cảm thấy không được thân thiện như 2 cô bán thịt ở đây. Vì thế dù quán không nằm ở chỗ đông người qua lại nhưng tôi thấy khách ghé mua cũng khá nhiều. Quan trọng không chỉ ở chỗ bán cái gì, mà còn ở việc cách mình bán ra sao nữa.

Mỗi ngày đi chợ nói chung đều có cái vui của nó, Và đặc biệt tôi rất lấy làm thú vị khi có những người khác nhìn một thằng con trai như tôi xách cái giỏ đi tung tăng từ đầu chợ đến cuối chợ. Mỗi buổi chợ về là chiếc giỏ ấy lúc nào cũng đựng đầy đồ, vừa đồ làm hàng, vừa đồ nấu ăn và đồ ăn sáng nữa. Và đó cũng là niềm vui của một thằng chỉ ở nhà bán bánh tráng chứ không đi làm công ty như tôi, vì nếu đi làm công ty, chắc chắn tôi không thể mỗi sáng thảnh thơi xách giỏ đi chợ mùa đồ như vậy được. Đi làm công ty nhiều lúc gắn liền với cơm bụi mà.

Nếu ngày xưa, đi chợ là một việc gì đó khủng khiếp lắm trong suy nghĩ của một thằng con trai như tôi, thì giờ đây, nó đã trở thành một việc quen thuộc. Tôi không còn cảm giác nghi ngờ người ta bán mắc cho mình như trước nữa, vì khi buôn bán, mình mới hiểu được người bán ai cũng muốn bán được lâu dài, nên họ sẽ bán với giá ngang bằng thị trường để nhằm giữ chân được khách hàng.

Tóm lại, nhờ đi chợ, tôi cũng học hỏi thêm được nhiều điều!

Bài đăng phổ biến